Xin chào các bạn! Gần đây tôi có nhiều cơ hội được thảo luận sâu sắc với nhiều nhà sáng lập và các nhân sự quản lý về những xung đột lợi ích thường thấy tại startup, đồng thời bản thân cũng vô tình bị cuốn vào thách thức này, khiến tôi trăn trở suy nghĩ rất nhiều về một đề tài thường bị lãng quên, nhưng lại là nền tảng vô cùng quan trọng để startup phát triển bền vững. Đó là Interest Alignment - Dung hoà lợi ích giữa các bên tại startup. Do đó, tôi xin phép được chia sẻ những suy nghĩ chiêm nghiệm của mình, dựa trên những quan sát, học hỏi, thảo luận cùng với các nhà sáng lập startup mình đồng hành tới nay, thông qua bài viết này nhé!
Interest Alignment - Dung hoà lợi ích giữa các bên tại startup, được hiểu là tạo ra trạng thái cùng thắng win-win dành cho các bên tham gia cùng với startup. Cụ thể là các cổ đông, đội ngũ quản lý, nhân viên, khách hàng, các đối tác tài chính, nhà phân phối bán hàng, nhà cung cấp…là tất cả những bên liên quan đóng góp giá trị thúc đẩy startup phát triển. Sự dung hoà lợi ích này, sẽ giúp các bên tham gia có được động lực tích cực tham gia hướng tới mục tiêu chung - phát triển startup, từ đó là được hưởng lợi ích chung khi startup thành công.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc cân bằng và dung hoà được lợi ích cho tất cả các bên tham gia phát triển startup lại là một điều thách thức khó khăn, vì mỗi bên đều có những kì vọng về lợi ích khác nhau. Chính điều này có thể dẫn tới căng thẳng, xung đột lợi ích giữa các bên, từ đó gây tác động tiêu cực tới mỗi bên, đồng thời ảnh hưởng tới sự phát triển chung của startup. Chúng ta hãy cùng thử phân tích tìm hiểu góc nhìn, kì vọng của mỗi bên, những vần đề xung đột lợi ích thường thấy tại startup, cùng với những cách tiếp cận giải quyết từng vấn đề đó nhé!
Nếu như đứng từ góc nhìn của nhà sáng lập startup, hơn bao giờ hết, các nhà sáng lập chân chính luôn muốn được hiện thực hoá tầm nhìn, mục tiêu trong khởi nghiệp là đưa công ty phát triển rực rỡ. Còn đối với các nhà đầu tư - cổ đông của startup, thì luôn muốn công ty phát triển, từ đó là tối ưu được lợi nhuận đầu tư của mình. Chúng ta nhận ra được điểm chung trong lợi ích ở đây, nằm ở mục tiêu chung là đưa công ty phát triển. Sự xung đột lợi ích thường sẽ ít khi xảy ra khi mục điêu chung này đạt được. Tuy nhiên, ngược lại, khi công ty gặp khó khăn - tức là trong bối cảnh mục tiêu chung này khó có thể đạt được, thì xung đột lợi ích sẽ thường xuất hiện, khi cả nhà sáng lập và các cổ đông startup không thể hiện thực hoá được mong muốn của mình. Tệ hơn, là xung đột lợi ích có thể bị leo thang khi phát hiện ra vấn đề khá phổ biến trong doanh nghiệp là Agency Problem - Vấn đề Người đại diện. Cụ thể, Agent - người đại diện là người được uỷ quyền bởi cổ đông, trong việc thực hiện các hoạt động điều hành, quản lý doanh nghiệp theo nguyên tắc tối đa lợi ích chung của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở Thông tin bất đối xứng - các cổ đông gặp hạn chế về tiếp cận thông tin đúng và đủ bên trong doanh nghiệp, trong khi người đại diện thì có thể lợi dụng quyền hạn để thực hiện những hành động không theo đuổi nguyên tắc tối đa lợi ích chung của công ty, mà vì lợi ích của cá nhân hoặc vì lợi ích của một ít số bên liên quan khác. Do đó, để dung hoà được lợi ích giữa nhà sáng lập - là người đại điện startup và nhà đầu tư - là các cổ đông và là người uỷ quyền, startup cần đảm bảo có cơ chế quản trị doanh nghiệp tốt, minh bạch báo cáo chia sẻ thông tin dành cho các cổ đông của mình. Bên cạnh đó, nhà sáng lập và đội ngũ vận hành doanh nghiệp cần đảm bảo đưa ra mọi quyết định cần tuân theo nguyên tắc vì lợi ích chung của công ty. Để kích hoạt được điều này, các bên cần thống nhất tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng của startup, thiết lập cấu trúc cổ phần phù hợp đủ lớn để tạo động lực cho nhà sáng lập là người đại diện điều hành doanh nghiệp, trong việc nỗ lực gia tăng giá trị cho startup, để từ đó có thể được hưởng lợi ích gia tăng cùng với quá trình phát triển doanh nghiệp của mình.
Còn nếu đứng từ góc nhìn của đội ngũ quản lý, các nhân viên tại startup, họ mong muốn những đóng góp của mình được nhận phần thưởng xứng đáng với công sức lao động của mình, thông qua lương, thưởng và chương trình cổ phiếu ưu đãi cho nhân viên có đóng góp (ESOP), có cơ hội thăng tiến phát triển cùng với công ty. Xung đột lợi ích giữa nhân viên và công ty thường bị phát sinh cũng từ việc những mong muốn này không được hiện thực hoá. Cụ thể khi nhân viên thấy mình không được ghi nhận những đóng góp của mình một cách xứng đáng, thông qua lương thưởng một cách công bằng, thấy mình không có vai trò rõ ràng, không có cơ hội phát triển, đặc biệt là khi không còn tin tưởng vào đường hướng phát triển của công ty nữa. Rất tiếc điều này thường xuất hiện ở các công ty startup, đặc biệt là ở các công ty ở giai đoạn sớm, khi mà chưa thể kiện toàn các chính sách lương thưởng một cách rõ ràng, trong khi công ty thường xuyên phải đối mặt với nhiều bấp bênh, với rủi ro mang tính tồn tại của mình. Tệ hơn nữa, khi xung đột lợi ích leo thang khi nhân viên phải rời đi trong tiếc nuối, bức xúc, phẫn uất, có thể dẫn đến việc trực tiếp hoặc gián tiếp gây cản trở hoạt động doanh nghiệp bằng việc nhận xét không tốt về những người liên quan, tạo tác động gây ảnh hưởng tiêu cực tới startup, đi ngược lại với nguyên tắc tối ưu lợi ích chung của doanh nghiệp nơi họ từng gắn bó. Do đó, để dung hoà lợi ích, phòng tránh những xung đột lợi ích giữa đội ngũ quản lý, các nhân viên và công ty, startup cần cần sớm càng tốt, thiết lập chính sách lương & thưởng, ESOP với lịch phân bổ rõ ràng (thông thường là vesting phân bổ trong 4 năm, cliff - bắt đầu phân bổ sau 1 năm), với các thoả thuận được kí kết một cách rõ ràng minh bạch. Đồng thời, startup rất cần xây dựng văn hoá tổ chức có chia sẻ mục tiêu tầm nhìn chung, có sự cảm thông và tôn trọng với nhau, khuyến khích mọi người giao tiếp cởi mở, trân trọng biết ơn công sức lao động của các thành viên. Có thể nói những điều này, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giảm đi các xung đột lợi ích, hận thù không đáng có giữa các cá nhân trong tổ chức.
Mặt khác, từ góc nhìn của khách hàng, họ kì vọng có thể được sử dụng những sản phẩm, dịch vụ, giải pháp giúp họ giải quyết được Job To Be Done của mình, có giá trị xứng đáng với chi phí họ phải bỏ ra mua về. Xung đột lợi ích thường sẽ xảy ra giữa khách hàng và doanh nghiệp startup, là khi những kì vọng trên không được thoả mãn. Cụ thể là khi sản phẩm, dịch vụ, giải pháp mang tới của startup không phù hợp, có chất lượng và giá trị không đúng theo lời cam kết với khách hàng trước đó. Tệ hơn nữa, khi xung đột lợi ích leo thang khi khách hàng phải chịu thiệt, bất lực khi doanh nghiệp không giải quyết vấn đề thoả đáng, có thể dẫn đến việc khách hàng kiện cáo, hoặc chia sẻ “review” - nhận xét không tích cực về trải nghiệm của mình một cách công khai, gây ảnh hưởng tới danh tiếng của doanh nghiệp. Do đó, để dung hoà lợi ích và phòng tránh những xung đột lợi ích giữa khách hàng và doanh nghiệp, startup sẽ cần xây dựng văn hoá lấy khách hàng làm trung tâm để phát triển và cải tiến sản phẩm tốt hơn mỗi ngày. Từ đó startup cần đào tạo đội ngũ bán hàng và chăm sóc khách hàng thật tốt, để giao tiếp chia sẻ thông tin với khách hàng một cách đúng và đủ, đồng thời kịp thời hỗ trợ khách hàng khi cần thiết, để đảm bảo họ có trải nghiệm sử dụng sản phẩm, dịch vụ của startup một cách tốt nhất.
Không dừng lại ở đó, từ góc nhìn của các đối tác, có thể là đối tác tài chính, đại lý bán hàng, nhà cung cấp, họ đều mong muốn được chia sẻ lợi ích cùng phát triển với doanh nghiệp, không bị phải chịu thiệt thòi, trong mối quan hệ người được - kẻ mất. Xung đột lợi ích trong mối quan hệ giữa các đối tác kể trên với startup sẽ xuất hiện, khi những mong muốn trên không được thoả mãn, khi một trong các bên bị “bóp nghẹt” lợi ích tham gia, dẫn đến đổ vỡ không thể duy trì được mỗi quan hệ hợp tác lâu dài. Tôi vẫn còn nhớ như in trong một buổi gặp gỡ của mình với một lãnh đạo cấp cao của một trong những công ty sản xuất dược phẩm hàng đầu tại Nhật. Khi đó, khi chia sẻ về vai trò và chiến lược đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm của hãng, nhà lãnh đạo này thành tâm chia sẻ sự biết ơn tới các mạng lưới đại lý phân phối truyền thống đồng hành với doanh nghiệp này từ trước tới nay, và nhất quyết bảo vệ công ăn việc làm của họ, trước làn sóng thương mại điện tử hiện đại, đa dạng hoá các kênh phân phối trên mọi nền tảng. Điều này nói lên được cái tâm và cái tầm của doanh nghiệp hơn 100 tuổi này để có thể phát triển bền vững theo thời gian, khi luôn suy nghĩ cùng thắng win-win với các đối tác, tránh tạo ra các xung đột lợi ích không đáng có.
Trên đây là những bài học từ những quan sát, thảo luận với các nhà sáng lập, từ tham khảo nhiều nguồn cũng như chiêm nghiệm đa chiều của tôi trong hành trình lăn xả với startup. Chúng ta có thể sẽ bị mắc kẹt giữa: Theo đuổi lợi ích của cá nhân mình - Theo đuổi lợi ích của tổ chức mình thuộc về - Theo đuổi lợi ích chung của startup. Nhưng chỉ khi chúng ta biết nhìn về cục diện, biết dung hoà lợi ích, thì chúng ta mới có thể tiến được xa, phát triển bền vững được. Trong thế giới startup nói riêng, có sự tham gia của nhiều bên giúp kiến tạo sự phát triển của doanh nghiệp, bao gồm các nhà sáng lập, các nhà đầu tư, các cổ đông, đội ngũ quản lý, nhân viên, khách hàng, các đối tác phát triển. Ở đó sẽ luôn cần sự suy nghĩ quan sát thấu đáo, khéo léo, có tâm và tầm với quản trị doanh nghiệp mẫu mực, để có thể cân bằng, dùng hoà được lợi ích của tất cả các bên, để tạo động lực tích cực cho mọi người cùng tham gia đóng góp hỗ trợ startup phát triển bền vững. Hi vọng những dòng chia sẻ này có thể mang lại những lời gợi ý và thông điệp có ý nghĩa dành cho các nhà sáng lập và những người đang trong hành trình kiến tạo giá trị tại startup nhé! Yeah, chúng ta cùng just keep fighting vì điều này nhé!
Thông tin tham khảo:
Comments