Cuối tuần trước tôi có một buổi họp với một nhà sáng lập startup. Buổi họp đó đã “ám ảnh" với tôi tới mức, thôi thúc tôi đặt bút viết bài blog này. Có lẽ nhiều người chúng ta, thường thấy hình ảnh các nhà sáng lập tỏa sáng, hạnh phúc với nụ cười đầy tự tin chiến thắng trên truyền thông, nhưng đã ai nhìn thấy những giọt nước mắt thực sự đằng sau đó của họ. Tôi có lẽ là một trong số ít người có thể được chứng kiến những khoảnh khắc đặc biệt đó của nhà sáng lập startup. Trong buổi gặp mặt đó, nhà sáng lập chia sẻ cho tôi những khó khăn áp lực mình đã trải qua, cùng với đó là những giọt nước mắt của sự bất lực, mệt mỏi chịu đựng một thời gian dài. Lúc đó, tôi đã được chứng kiến khoảnh khắc chân thực nhất của một nhà sáng lập startup bị Burnout, hay được gọi là hội chứng “Kiệt sức- Cháy sạch”.
Cuộc chiến tinh thần của các nhà sáng lập startup chưa được quan tâm một cách đầy đủ và đúng mực
Tôi vẫn còn nhớ bài blog của tôi được viết vào tháng 6 năm 2020, kể về trải nghiệm của chính bản thân mình cách bước qua một cuộc Burnout, sau đó được báo Diễn đàn doanh nghiệp chia sẻ lại với bài viết: “10 cách giúp tránh bị Burnout dành cho Startup Founder”. Đã hơn 1 năm rưỡi trôi qua từ bài viết trên, nhắc đến vấn đề Burnout của các nhà sáng lập phải đối mặt trong startup của chính mình, đây vẫn là một trong số những bài viết hiếm hoi bằng tiếng Việt về đề tài này có thể được tìm thấy từ kết quả tìm kiếm của Google. Điều này cho thấy một điều là vấn đề Burnout của các nhà sáng lập startup hiện nay chưa được quan tâm một cách đầy đủ và đúng mực. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà tình hình dịch bệnh kéo dài, chiến tranh và đứt gãy chuối cung ứng, tình hình lạm phát ra tăng, đều là những thách thức kéo dài mang tính “bất định" khiến ngày càng nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là nhiều chủ doanh nghiệp, startup founder phải trải qua hội chứng gọi Burnout.
“Behind happy-looking faces and successful lives hide a fierce mental battle”
Trên đây là câu nói mà tôi tìm thấy trong bài viết Entrepreneurs Who Battled Depression For Years của tờ Entrepreneur, với ý nghĩa là đằng sau những gương mặt vui vẻ và cuộc sống đầy thành công, ẩn chứa một trận chiến tinh thần khốc liệt. Câu nói này dường như đúng với mọi doanh nhân, không chừa một ai, kể cả Elon Musk. Khi anh chia sẻ thẳng thắn những gì mình đã trải qua trong một đoạn Tweet đăng vào tháng 7 năm 2017 với những nốt Thăng-Trầm cấp độ mạnh, với những căng thẳng không ngừng, mà anh nghĩ là mọi người không muốn nghe về sự thật khốc liệt vì thường quen nghe về những chiến tích thành công của anh. Sau đoạn tweet đó, anh cũng có thừa nhận mình mắc chứng rối loạn lưỡng cực- là một rối loạn tâm thần gây ra các giai đoạn trầm cảm và giai đoạn tâm trạng lên xuống bất thường.
Vào năm 2015, Michael A. Freeman, bác sĩ y khoa Đại học California, Mỹ và nhóm của ông đã nghiên cứu các mối quan tâm về sức khỏe tinh thần của các doanh nhân. Họ phát hiện ra rằng 72% doanh nhân mà họ khảo sát cho biết họ lo lắng về sức khỏe tinh thần. Cụ thể, 49% cho biết họ đã trải qua một hoặc nhiều lần với tình trạng bất ổn của sức khỏe tinh thần. Ngoài ra, doanh nhân có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 30% so với người bình thường.
Những cuộc chiến tinh thần khốc liệt của những doanh nhân, nhà sáng lập này được cho là có liên quan tới một Hội chứng gọi là Burnout, hay còn được gọi là Hội chứng “Kiệt sức - Cháy sạch".
Thế nào là hội chứng Burnout - “Kiệt sức - Cháy sạch"?
Thuật ngữ “Burnout syndrome” lần đầu tiên được nhắc đến trong một bài báo khoa học do nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức Herbert Freudenberger công bố trên một tập san về tâm lý học Journal of Social Issues năm 1974. Freudenberger đã mô tả hội chứng cháy sạch với các biểu hiện như kiệt sức, nhức đầu, mất ngủ, dễ nổi nóng và đầu óc “đặc” lại, không suy nghĩ được gì.
Theo WHO, người mắc hội chứng này sẽ có các đặc điểm như sau: cảm thấy cạn kiệt năng lượng hay kiệt sức, cảm thấy ngày càng xa cách về mặt tinh thần - tức cảm thấy tiêu cực, hoài nghi với công việc mình đang làm và cuối cùng là khiến hiệu quả chuyên môn giảm sút. Bên cạnh đó, các triệu chứng rõ nét phổ biến của Burnout còn bao gồm trầm cảm, bất ổn tinh thần, lo lắng, kiệt sức, chán nản, cô lập,...
Đâu là nguyên nhân cho hội chứng Burnout của startup founder?
Nhà sáng lập startup luôn mang nhiều gánh nặng. Họ được kỳ vọng rất lớn là có thể tạo ra nhiều doanh thu và lợi nhuận, đưa công ty phát triển hơn nữa. Họ phải luôn cố gắng làm hài lòng nhiều người cùng một lúc: Khiến đối tác khách hàng sử dụng hài lòng sản phẩm dịch vụ của mình; Khiến nhân viên hài lòng, được trả lương xứng đáng với công sức của họ và tiếp tục ở lại công ty ; Khiến nhà đầu tư hài lòng, luôn tin tưởng vào kỳ vọng tăng trưởng của startup; Chu toàn với gia đình và khiến gia đình luôn tự hào về thành công của mình; Tiếp tục giữ hình ảnh đẹp của một doanh nhân thành đạt trong mắt truyền thông và xã hội,...
Mới chỉ nghe đến đây, chắc hẳn chúng ta ai cũng sẽ cảm thấy choáng ngợp với những gánh nặng của các nhà sáng lập. Dường như để làm tốt những điều trên, 24 giờ một ngày sẽ là không đủ với họ. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung các nhà sáng lập startup dành trọn thời gian với startup của mình, mà lơi là việc ăn uống điều độ, duy trì một lối sống vận động khoa học, dành thời gian chất lượng để kết nối tinh thần với các thành viên trong gia đình của mình. Đó là một trong những nguyên nhân ban đầu của Burnout, khiến các nhà sáng lập dễ bị rơi vào tình trạng kiệt sức, mệt mỏi, cô đơn.
Bên cạnh đó, giữa một guồng quay làm việc với tốc độ nhanh cùng với nhiều áp lực không tưởng ở một công ty khởi nghiệp non trẻ, nhà sáng lập sẽ dễ bị Burnout, nếu họ không giỏi trong việc ủy quyền, tin tưởng và trao quyền cho đội ngũ xung quanh mình để cùng san sẻ cùng thực hiện những công việc nặng nhọc đó. Và vấn đề lựa chọn đồng sáng lập sai, hay bất kì vấn đề liên quan tới quản lý con người nói chung ở một tổ chức không ngừng mở rộng như một công ty startup, đều là những vấn đề gây đau đầu, mệt mỏi cho nhà sáng lập. Thêm nữa, giữa những thăng trầm điên cuồng khi điều hành một công ty khởi nghiệp, nhà sáng lập nếu không cách tạo ra sự ổn định về cảm xúc và tâm lý cho bản thân thì cũng sẽ dễ dàng bị rơi vào tình trạng Burnout. Khi đó nếu nhà sáng lập không có đủ đam mê thực sự và mục tiêu tầm nhìn rõ ràng với startup của mình, thì nhà sáng lập sẽ phải đối mặt với cuộc chiến tinh thần khốc liệt, mà có thể dẫn đến một kết quả khốc liệt - đó là phải từ bỏ startup của mình.
Lời khuyên dành cho Startup Founder để ngăn chặn tình trạng Burnout:
Ở bài blog cách đây hơn 1 năm rưỡi của tôi, cũng có đề cập đến cách ngăn chặn hay “chữa lành" Burnout đó là “Stay connected - Giữ kết nối". Đó là giữ kết nối với những điều quan trọng trong cuộc sống như gia đình, bạn bè, sở thích bên ngoài công việc, với những giây phút thư giãn trò chuyện với người thân sẽ giúp nhà sáng lập giảm căng thẳng của hiện tại. Bên cạnh đó là cần giữ kết nối với sứ mệnh và tầm nhìn của startup, với khách hàng, với nhân viên của mình. Khi một nhà sáng lập có động lực sâu sắc với những kết nối đó, nhân viên sẽ rút ra động lực và năng lượng đó từ lãnh đạo của mình. Ngược lại, khi một nhà sáng lập đánh mất niềm đam mê và tầm nhìn của họ, nhân viên có thể cảm nhận được điều đó thông qua các dấu hiệu không lời như sự lơ là, thái độ, thờ ơ và thiếu quan tâm với xung quanh.
Thêm nữa, nhà sáng lập cần phải lưu ý duy trì một cuộc sống khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Tôi vẫn nhớ cách đây 5 năm hồi tôi làm việc cho công ty IBM Nhật Bản, tôi được chỉ dạy rất nhiều về tác phong và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, một trong số đó là năng lực quản lý sức khoẻ của mình, để suy trì một phong độ làm việc ổn định và năng suất. Ở quỹ đầu tư Genesia Ventures của tôi ở Nhật, cũng tổ chức các buổi workshop dành cho các nhà sáng lập, chia sẻ các cách ăn uống, tập luyện, nghỉ ngơi để duy trì sức khoẻ thể chất và tinh thần, qua đó thúc đẩy tối đa năng suất hiệu quả làm việc của nhà sáng lập để giúp startup phát triển.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất, đó là các nhà sáng lập cần xây dựng cho mình một hệ thống hỗ trợ thật tốt xung quanh mình: đến từ gia đình, đồng sáng lập, cố vấn Mentor, VC hay nhà đầu tư thiên thần của mình. Họ cần có một hậu phương vững chắc, thông cảm và khích lệ họ mỗi khi mệt mỏi trở về nhà. Họ có cần có những đồng sáng lập có trách nhiệm và tin tưởng hỗ trợ lẫn nhau, giúp giữ vững tinh thần và chia sẻ khối lượng công việc cho nhau. Cố vấn Mentor, VC, hay nhà đầu tư thiên thần, cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn chặn tình trạng kiệt sức, dựa theo kinh nghiệm quan sát ở nhiều nhà sáng lập khác, họ có thể nhận ra dấu hiệu khác thường ở nhà sáng lập đó, để kịp thời đưa ra những lời khuyên hợp lý, giúp họ tránh hoặc vượt qua Burnout.
Tuần qua tôi cũng có một buổi trao đổi sâu sắc với anh Vũ Thanh Long- Nhà sáng lập & CEO của công ty khởi nghiệp y tế eDoctor, mà quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư và đồng hành hỗ trợ. Anh Long đã có hành trình bền bỉ với eDoctor cũng gần thập kỉ tới nay, trải qua nhiều thăng trầm, và áp lực khốc liệt với startup của mình. Tuy nhiên, anh Long có chia sẻ là do tính cánh “lỳ lợm" với những thử thách, khi thấy việc nào không thành, anh sẽ tiếp tục nghĩ những cách khác để làm, không kịp để cho mình có thời gian để mà buồn chán hay thất vọng qua lâu. Ngoài ra, một việc vô cùng quan trọng nữa, đó là anh nghĩ về đồng đội của mình. Họ là động lực rất lớn để thúc đẩy anh tiếp tục tập trung vào điều cần làm, thay vì để mình bị Burnout.
Có lẽ cũng vì những gì mình đã trải qua, với lòng trắc ẩn của một nhà sáng lập, cùng với sứ mệnh của mình trong ngành y với eDoctor, anh Vũ Thanh Long và đội ngũ của mình vừa qua đã mở rộng dịch vụ Trạm Lành - là trung tâm tư vấn, đo lường và trị liệu tâm lý; là nơi các Nhà tâm lý, Cố vấn chuyên môn sẽ lắng nghe, giúp cho “những chiến binh với cuộc chiến tinh thần của mình" có cơ hội được nuôi dưỡng, sạc lại năng lượng, vượt qua được cuộc chiến tinh thần - Burnout của mình.
Tôi rất hi vọng, với những chia sẻ tâm huyết trên đây của tôi, các nhà sáng lập và hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sẽ có những nhận thức đúng đắn và đầy đủ về hội chứng Burnout, từ đó có cái nhìn bao dung, thông cảm, và hỗ trợ những nhà sáng lập xung quanh của mình - những người đã đang phải đấu tranh với cuộc chiến tinh thần này. Với tư cách là nhà đầu tư, người đồng hành với các nhà sáng lập startup ở Việt Nam, tôi thấy mình cần phải lắng nghe, chia sẻ và hỗ trợ để cùng họ vượt qua cuộc chiến mang tên Burnout thật hiệu quả, để họ có thể tiếp tục trở lại mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn, tiếp tục hành trình phát triển startup của mình.
コメント