top of page
Tìm kiếm
Ảnh của tác giảHoang Thi Kim Dzung

Bank - Startup: 2 giải pháp tài chính đột phá và cách xây dựng mối quan hệ ý nghĩa với ngân hàng, tạo động lực phát triển cho startup từ giai đoạn sớm

Xin chào các bạn! Trong bối cảnh thị trường gọi vốn dành cho startup còn nhiều thách thức khó khăn, hay thường được gọi là “mùa đông gọi vốn kéo dài”, tôi cũng luôn đau đáu trăn trở cùng với các nhà sáng lập startups của quỹ đầu tư chúng tôi đồng hành, với suy nghĩ là làm sao có thể đa dạng hoá được các hình thức duy động vốn phục vụ cho phát triển startup hơn nữa. Ngoài hình thức huy động vốn startup phổ biến nhiều người biết, là huy động vốn chủ sở hữu thông qua chào bán cổ phần - Equity Funding, thì còn có hình thức vốn vay mạo hiểm - Venture Debt và vay vốn ngân hàng dành cho startup. Tuy nhiên, trên thực tế hai hình thức này vẫn ít được nhắc tới vì tính phổ biến còn thấp trong hệ sinh thái startup. Đặc biệt là hình thức vay vốn ngân hàng.


Cụ thể, theo thống kê của VCCI, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Startup tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, lý do chính nằm ở những rủi ro tiềm ẩn khi cho startup vay, do hầu hết các công ty không có tài sản đảm bảo cũng như chưa có lợi nhuận tích cực, khiến các ngân hàng tới nay không thực sự mặn mà, muốn “mạo hiểm” cho vay startup. Mặt khác, thông thường chúng ta thấy startup ở giai đoạn sau series A tiến tới series B, khi đã mở rộng quy mô kinh doanh, có doanh thu và giao dịch vừa đủ lớn rồi, cộng với có áp lực dòng vốn tăng trưởng lớn, không còn cách nào khác lúc này startup mới buộc phải bắt đầu tiếp cận với ngân hàng. Đây là điều tôi luôn đau đáu, vậy có cơ hội nào cho các công ty startup ở giai đoạn sớm hơn, trước giai đoạn series A, có thể bắt đầu xây dựng mối quan hệ ý nghĩa, win-win cùng thắng với ngân hàng, mà không phụ thuộc vào phương thức cho vay truyền thống bắt buộc phải có tài sản đảm bảo không?


Về bản chất, ngân hàng cần phải tuân theo nguyên tắc đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng, thiết lập xây dựng các khung tiêu chuẩn chung quyết định cho vay và nguyên tắc quản lý khoản vay phù hợp. Nguyên tắc này sẽ được dựa trên tài sản (đảm bảo tín dụng) hoặc/và vào dòng tiền (tính chắc chắn của nguồn tiền trả nợ gốc và lãi). Mang trong mình câu hỏi lớn ở trên, quỹ đầu tư chúng tôi đã nỗ lực xây dựng các mối quan hệ hợp tác tin tưởng với các đối tác ngân hàng trong và ngoài nước, để đi tìm câu trả lời cho các startup ở giai đoạn sớm của mình. Một điều chúng tôi nhận ra là, hiện nay đã có rất nhiều ngân hàng có tư duy đổi mới, thay đổi cách tiếp cận và điểm nhìn với các công ty startup. Cụ thể, thay vì chỉ tập trung nhìn vào tài sản đảm bảo, lợi nhuận, tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu để thẩm định cho vay doanh nghiệp, thì các ngân hàng đã tập trung hơn nhìn vào dòng tiền, và tiềm năng phát triển lâu dài tạo ra dòng tiền lớn trong tương lại của startup.


Với lợi thế hoạt động đầu tư ở 4 thị trường khác nhau - Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, quỹ đâu tư Genesia Ventures chúng tôi có cơ hội quan sát và hợp tác với nhiều ngân hàng khác nhau để tìm hiểu các Banking Innovation - Giải pháp tài chính đột phá dành cho các startup, giúp tối ưu chu kỳ vốn lưu động (working capital), tối ưu chi phí vốn (cost of capital), thúc đẩy đầu tư hiệu quả vào cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động phát triển kinh doanh của startup. Có thể nói, trong nhiều giải pháp tài chính đột phá của ngân hàng nỗ lực “mạo hiểm” với startup, có 2 giải pháp dưới đây khiến chúng tôi vô cùng hào hứng và thúc đẩy hợp tác mối quan hệ cùng thắng giữa đối tác ngân hàng và các startup của chúng tôi đâu tư.


Đầu tiên là giải pháp vốn vay lưu động với hạn mức dựa trên các khoản phải thu - Working Capital Accounts Receivable Based Credit Line. Đây là giải pháp dành cho các khoản vay ngắn hạn dưới 1 năm. Nguyên lý của giải pháp này là tận dụng đòn bẩy tài sản bên trái bảng cân đối kế toán - phần mục khoản phải thu, để tiếp cận vốn vay ngắn hạn từ ngân hàng, với điều kiện startup cần cho thấy sự đảm bảo sẽ nhận được các khoản phải thu đó, vì đó cũng là hình thức “tài sản đảm bảo thay thế” cho thấy năng lực trả nợ khoản vay đó cho ngân hàng của startup. Như tôi đã từng chia sẻ trong bài blog về Quality of Revenue: Suy nghĩ về Chất lượng doanh thu của startup với nguyên tắc 4C, cụ thể đề cập tới yếu tố Cash Conversion - Tính xoay vòng của dòng tiền - là một trong 4 nguyên tắc “C” quan trọng của startup, trong bối cảnh startup phải đối mặt với thách thức “Con gà - Quả trứng” của “Vốn lưu động - Tăng trưởng”, luôn phải bỏ vào một lượng lớn vốn ban đầu để đổi lấy tăng trưởng doanh thu. Trước thách thức “khát vốn lưu động” của startup để mở rộng quy mô phát triển kinh doanh, có thể nói giải pháp tài chính cấp vốn vay lưu động với hạn mức dựa trên các khoản phải thu kể trên, là một trong những hướng đi đột phá, giải pháp có ý nghĩa dành cho startup. Đỉnh cao đột phá hơn nữa của giải pháp vốn vay lưu động với hạn mức dựa trên các khoản phải thu này, là giải pháp supply chain financing - giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng. Dựa trên nguyên lý chuỗi cung ứng bao gồm các stakeholders - người mua và người bán, thực hiện các giao dịch hàng hoá dịch vụ từ đầu nguồn tới cuối nguồn của chuỗi giá trị, sẽ xuất hiện bên bán - với khoản phải thu (Account Receivable), và bên mua - với khoản phải trả (Account Payable) với mối liên kết chặt chẽ, tạo ra sự lưu thông của dòng tiền, và dữ liệu giao dịch. Ngân hàng tham gia cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng, có thể tài trợ vốn vay và cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp cho cả hai bên - người mua và người bán. Vừa qua, Buymed đã hợp tác với một ngân hàng để phát triển giải pháp tài trợ chuỗi cung ứng trong ngành dược phẩm. Cụ thể là, các bên tham gia chuỗi cung ứng trên nền tảng BuyMed, từ chuỗi nhà thuốc, nhà cung cấp, tới đơn vị kho vận và hệ thống giao nhận sản phẩm, sẽ được ngân hàng này cấp tín dụng với các điều kiện ưu đãi, dựa trên dữ liệu lớn mà sàn Buymed sở hữu.


Tiếp theo là giải pháp vốn vay lưu động với hạn mức dựa trên doanh thu định kỳ của khách hàng đăng kí sử dụng dịch vụ- Working Capital Subscription Based Credit Line (Recurring Revenue). Đây là giải pháp dành cho các khoản vay vốn lưu động, ngắn hạn dưới 1 năm giúp startup có thể thêm nguồn lực để đầu tư vào phát triển sản phẩm, và kiện toàn đội ngũ sales để thu hút thêm nhiều khách hàng sử dụng. Nguyên lý của của giải pháp này là, startup cần cho thấy được dòng doanh thu định kỳ hàng tháng, từ một tập khách hàng đăng kí (subscribe) sử dụng đều đặn ổn định, đây cũng có thể được coi là hình thức thay thế cho tài sản đảm bảo truyền thống. Là một trong 4 nguyên tắc có chữ “C” mà tôi đề cập trong bài blog ở trên, Customer Retention - Sự quay trở lại của khách hàng, việc startup cho thấy chất lượng doanh thu của mình từ tập khách hàng trung thành sử dụng, tạo ra dòng doanh thu lặp lại (repeatable), và có thể dự đoán (predictable) được, đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tôi tin rằng, đó là một trong những dữ liệu “tài sản đảm bảo thay thế” vô cùng ý nghĩa cho giải pháp tài chính đột phá của ngân hàng. Đỉnh cao đột phá hơn nữa của giải pháp vốn vay lưu động với hạn mức dựa trên doanh thu định kỳ của khách hàng đăng kí sử dụng dịch vụ thường xuyên này, còn nằm ở việc ngân hàng có thể cấu trúc khoản vay ở hình thức hạn mức tín dụng quay vòng (Revolving Credit Line). Cụ thể, ngân hàng sẽ phê duyệt một hạn mức tín dụng cho vay trước, điều này giúp không cần phải lập hồ sơ cấp tín dụng mới mỗi khi cần cấp khoản vay, nhờ đó startup có thể linh hoạt rút khoản vay mỗi khi cần và rồi hoàn trả khoản vay, và lặp lại, tối ưu hiệu quả vốn vay trong khung hạn mức được phê duyệt đó.


Vừa qua, tại Genesia Orbit HCMC chúng tôi đã tổ chức một buổi workshop nho nhỏ ấm áp, với sự tham dự của 7 đại diện đến từ 2 ngân hàng, một trong nước và một nước ngoài, với các nhà sáng lập và nhân sự cấp cao chịu trách nhiệm mảng tài chính của 7 startup mà quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư, đồng hành phát triển tại Việt Nam. Tại workshop này, các đại diện đến từ ngân hàng đã chia sẻ cách tiếp cận hiệu quả để đối tác ngân hàng có thể đi cùng với startup, dù ở giai đoạn sớm.


Cụ thể, startup có thể từng bước xây dựng lịch sử tín dụng với ngân hàng, bắt đầu từ những giao dịch tiền gửi dù là nhỏ cũng được, miễn là xây dựng trước được những “điểm chạm” hình thành dữ liệu lịch sử giao dịch với ngân hàng. BuyMed - startup cung cấp nền tảng B2B giao dịch dược phẩm và thiết bị y tế cho các nhà thuốc, mà quỹ chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, đã tận dụng rất tốt lợi thế vòng xoay dòng tiền tích cực của mình, để tiếp cận những khoản vay vốn lưu động từ ngân hàng, khi startup này còn ở giai đoạn sớm. Ban đầu, BuyMed đã nỗ lực chú tâm xây dựng mối quan hệ với các ngân hàng, bằng những khoản tiền gửi được chia sẻ nhỏ, gửi vào các ngân hàng là đối tác cho vay tiềm năng. Từ đó là bắt đầu đăng kí những khoản vay nhỏ, dùng chính những khoản tiền gửi đó để làm tài sản đảm bảo, rồi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đúng kỳ hạn, đảm bảo uy tín. Cứ như vậy, startup sau khi đã tích luỹ được lịch sử tín dụng một cách tích cực với ngân hàng, theo thời gian startup có thể tiếp cận được những khoản vay vốn lưu động lớn, với điều kiện tốt hơn, giảm đi tỉ lệ phải đặt cọc khi startup tận dụng được các “tài sản đảm bảo thay thế” bằng dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt của mình.


Mặt khác, đại diện từ phía ngân hàng còn chia sẻ thêm tại buổi workshop một bài học quan trọng về việc, đó là quản trị tốt, từ cá nhân tới doanh nghiệp, từ những việc nhỏ nhất ở giai đoạn sớm, để mình có được tâm thế tốt khi tiếp xúc với ngân hàng. Cụ thể, là các nhà sáng lập - đại diện pháp luật của startup, cần tránh để mình có điểm tín dụng xấu, bằng việc cẩn thận khi dùng thẻ tín dụng hoặc vay trả góp. Với startup, những điều cơ bản trong quản trị tài chính và quản trị doanh nghiệp cần được làm đúng, ví dụ như luôn có sẵn báo cáo tài chính các năm gần nhất, minh bạch dòng tiền, lưu trữ hợp đồng, hoá đơn, biên bản giao nhận, quyết toán thuế,…Các nhà sáng lập có tin được không? Trước khi ngân hàng tới gặp bạn, thì phía ngân hàng đã quét hết các dữ liệu, và đã có thể sơ bộ đánh giá “mức độ uy tín” của nhà sáng lập và startup của mình. Đồng thời, bất kì những “điểm chạm” sau đó, cũng sẽ giúp ngân hàng update - cập nhật “mức độ uy tín” này. Từ việc nhỏ như startup có chuẩn bị sẵn các thông tin cơ bản hay không, bằng việc startup có thể chia sẻ nhanh chóng và chính xác tới mức nào, cho tới việc lớn hơn như nhà sáng lập startup cho thấy năng lực quản trị, phát triển startup trong tương lai tới đâu.


Trên đây là những chia sẻ tâm huyết của tôi những giải pháp tài chính đột phá mà ngân hàng có thể mở ra cho startup, và những cách tiếp cận “nhỏ mà có võ” để từng bước xây dựng mối quan hệ ý nghĩa với ngân hàng để tiếp cận khoản vay tài chính giúp startup phát triển. Tôi tin rằng, như bất kì mối quan hệ nào để bền vững lâu dài, thì các bên phải win-win, cùng thắng. Việc mở rộng thị trường cho vay vốn với startup, có thể giúp ngân hàng có cơ hội tiếp cận thị trường mới, đa dạng hóa các hình thức cho vay tài chính, xây dựng được mối quan hệ lâu dài cùng phát triển với khách hàng của mình. Còn với startup, thì rất rõ ràng việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, có thể giúp startup tối ưu chu kỳ vốn lưu động, tối ưu chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư hiệu quả vào cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động mở rộng phát triển kinh doanh của startup, đồng thời, giúp startup được tôi luyện theo thời gian khả năng quản trị doanh nghiệp hiệu quả. Hi vọng, bài viết này có thể là những gợi ý mang tính tham khảo, có chiều sâu ý nghĩa dành cho các nhà sáng lập startup, những người cũng đang đau đáu bài toán đa đang nguồn vốn phát triển cho startup của mình. Yeah, just keep fighting nhé các nhà sáng lập ơi!!


Comments


bottom of page