Hôm nay tình cờ tôi có được được bài viết The Future of Fundraising của bác Paul Graham - đồng sáng lập của vườn ươm startup nổi tiếng YCombinator. Bài viết này được bác viết vào năm 2010, chia sẻ suy nghĩ về tương lai của gọi vốn startup cùng với những đề xuất tiến bộ về sự thay đổi cần thiết. Nay, đúng 13 năm sau, khi đọc bài viết này của bác, cùng với góc nhìn hướng về hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, tôi nhận ra chúng ta đã có một hành trình dài với nhiều sự tiến bộ, tuy nhiên vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để phát triển hơn nữa.
Trong bài viết của mình, bác Paul Graham đưa quan điểm thẳng thắn rằng tương lai của gọi vốn mạo hiểm sẽ là dựa trên mong muốn của nhà sáng lập, rằng những điều gì nhà sáng lập không thích sẽ bị loại bỏ.
💡 So if you want to predict what the future of venture funding will be like, just ask: how would founders like it to be? One by one, all the things founders dislike about raising money are going to get eliminated.
Vậy đâu là những điều các nhà sáng lập không thích về gọi vốn? 13 năm trước - thời đó và ngày nay có gì đã thay đổi?
Đầu tiên, thời đó, các khoản đầu tư mạo hiểm vào startup dù ở giai đoạn sớm đã rất lớn khoảng vài triệu USD, trong khi thực tế startup cần ít hơn đó. Không có nhiều nhà đầu tư với ticket size (khoản tiền đầu tư) nhỏ hơn khoảng vài trăm USD. Một khi nhà đầu tư mạo hiểm đã đầu tư thì họ sẽ thường nắm cổ phần lớn 25~40%, từ đó là có quyền kiểm soát lớn tới startup họ đầu tư. Và các nhà đầu tư khi đó thường muốn startup phải có traction - kết quả kinh doanh nhất định rồi mới ra quyết định đầu tư được. Cùng với đó, việc ra quyết định đầu tư của một nhà đầu tư khi đó thường sẽ phụ thuộc vào quyết định của nhà đầu tư khác, hoặc là chọn hình thức thay thế là tranched deal- nhà đầu tư sẽ đầu tư một ít tiền vào trước, sau đó sẽ đầu tư tiếp với điều kiện công ty phát triển theo thoả thuận. Hơn nữa, khi đó, còn một điều nữa mà các nhà sáng lập không thích đó là gọi vốn rất tốn thời gian, thiếu tính linh hoạt trong hình thức đầu tư, khiến họ bị sao lãng khỏi những điều quan trọng thực sự với startup.
Ngày nay, hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới đã có sự tiến bộ và thay đổi hơn rất nhiều. Chúng ta chứng kiến xuất hiện nhiều quỹ đầu tư ở giai đoạn sớm, nhiều nhà đầu tư thiên thần hơn, có thể đầu tư với ticket size nhỏ hơn từ vài chục nghìn USD tới vài trăm USD, chiếm ít cổ phần hơn (dao động trên dưới khoảng 10%), có thể tốt ít thời gian hơn trước và có sự linh hoạt hơn với nhiều hình thức hợp đồng như SAFE và Convertible Notes. Tôi tin rằng đây là sự tiến bộ không thể phụ nhận trong 13 năm qua của hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.
Giờ nhìn tập trung hơn vào hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam, tôi tin rằng chúng ta còn rất nhiều điều cần làm sắp tới. Hệ sinh thái của chúng ta thường đi chậm vài năm tới tận thập kỉ so với nhiều nước có hệ sinh thái phát triển như Mỹ. Nên có lẽ bài viết của Paul Graham của 13 năm về trước, tưởng xa mà lại gần với thực tế của chúng ta hiện nay. Như có trong bất kì một thực thể nào đang trải qua quá trình đang phát triển, từ quốc gia, tới hệ sinh thái, cho tới doanh nghiệp, tất yếu đều cần sự điều chỉnh, chuyển đổi và hoàn thiện để phát triển hơn nữa.
Giống như startup luôn phải đối mặt với bài toán hóc búa của con gà - quả trứng, hệ sinh thái khởi nghiệp cũng vậy. Nhiều dòng tiền sẽ đổ vào hệ sinh thái, chỉ khi các nhà đầu tư có niềm tin rằng có nhiều startup tiềm năng phát triển ở đó, startup sẽ được tiếp tục phát triển hơn nữa, khi có dòng vốn dồi dào hơn. Điều kiện cho sự linh hoạt trong hình thức đầu tư, rút ngắn thời gian đầu tư, gia tặng lợi thế đàm phán và quyền kiểm soát cho startup và nhà sáng lập, sẽ tới sau đó, khi bài toán con gà - quả trứng được giải. Tức là khi có nhiều startup tiềm năng hơn, các nhà đầu tư sẽ tới nhiều hơn với dòng vốn dồi dào hơn, từ đó ra tăng sự cạnh tranh giữa các nhà đầu tư để được đầu tư những startup tiềm năng nhất, các nhà sáng lập có nhiều sự lựa chọn hơn. Đó sẽ tạo ra đòn bẩy để có được điều kiện tiếp theo như đã đề cập ở trên.
Điều chúng ta đang thiếu là những exit thành công, để các nhà đầu tư có thêm niềm tin rằng hệ sinh thái startup Việt Nam tiềm năng thực sự, đồng thời để các thế hệ founder tiếp theo có đủ niềm tin rằng có cơ hội phát triển nếu họ khởi nghiệp. Nếu chúng ta không tạo ra được exit thành công, tôi e rằng chúng ta sẽ mãi tắc ở bài toán con gà - quả trứng cho hệ sinh thái startup. Nếu không có những tấm gương thành công thực sự với khởi nghiệp, thì sẽ không có ai dám dấn thân thực sự với khởi nghiệp, chúng ta sẽ không có những startup chất lượng tốt với tiềm năng phát triển lớn, từ đó kết quả là sẽ không có niềm tin và dòng vốn đổ vào từ các nhà đầu tư.
Trên đây là một vài suy nghĩ trăn trở của tôi về hành trình đã qua và điều chúng ta cần hướng tới để có được được “Future of Fundraising” sáng sủa cho hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi luôn muốn “keep fighting” cho mục tiêu hỗ trợ thật nhiều người thành công với khởi nghiệp hơn nữa tại Việt Nam. Hi vọng chúng ta luôn cùng nhau “Keep fighting” vì mục tiêu này nhé!!