Vừa qua có một nhà sáng lập đã hỏi tôi vì sao lại cần phải chăm chỉ viết blog đều đặn cho chuyên mục Daily Catchup này tới vậy. Chắc hẳn cũng có nhiều người cũng có chung thắc mắc này, do đó, tôi quyết định sẽ chia sẻ động lực, là lý do quan trọng khiến tôi kiên trì viết, trong bài blog ngày hôm nay nhé! Tôi luôn cám ơn những cơ hội đến với mình, cả những cơ hội như thế này, cho tôi có dịp được ngồi xuống để giải thích, chia sẻ suy nghĩ dù đơn giản của mình tới mọi người. Xin cám ơn các bạn đã luôn quan tâm theo dõi nhé!
Tôi vẫn còn nhớ cách đây hơn 4 năm về trước, khi mình đứng trước ngã rẽ thay đổi sự nghiệp của mình tại IBM Nhật Bản, trong khi đi tìm mục tiêu nghề nghiệp cho công việc mới, thì “điểm chạm” đầu tiên của tôi với nghề VC này, chính là thông qua những bài blog của các nhà đầu tư khởi nghiệp đáng kính. Một điều thú vị tôi nhận ra khi đó là tại Nhật Bản - nơi tôi bắt đầu sự nghiệp VC của mình, hầu như tất cả các nhà đầu tư xung quanh tôi đều có trang blog riêng của mình, để chia sẻ những bài học và suy nghĩ của họ trong nghề. Đây chính là những nguồn học liệu vô cùng đáng quý cho những người trẻ mới vào nghề như tôi. Không phải là những bài post ngắn trên mạng xã hội, mà chính là những bài viết - nơi tôi đọc được sự tâm huyết, sự uyên bác, tự khiêm tốn, tinh thần ham học hỏi và cống hiến của mỗi nhà đầu tư ở đó. Tôi được truyền cảm hứng rất lớn từ những điều này, khiến một trong những việc đầu tiên tôi “đầu tư” trước khi bắt đầu sự nghiệp đầu tư VC của mình là, tự tạo ra trang blog cá nhân zunzunstartups.com như các bạn thấy hiện nay.
Tuy nhiên, điều mà tôi nhanh chóng nhận ra sau đó là, dù là tự xây dựng trang blog các nhân cũng không khó và tốn thời gian bằng việc ngồi viết. Thực sự, viết là hành trình vô cùng “đau đớn” với tôi khi đó. Tôi luôn phải chiến đấu vượt lên với sự nhàm chán ngồi hàng giờ viết, sự mỏi mệt của cơ thể khi ngồi lâu, sự đánh đổi khi dành thời gian cho các hoạt động ý nghĩa khác bên ngoài, sự tự ti khi mình chưa có đủ kiến thức và trải nghiệm để có những góc nhìn riêng chia sẻ trong bài viết. Hiển nhiên với những thách thức đó, tôi đã không thể duy trì hoạt động viết đều đặn của mình ở những ngày đầu.
Tuy nhiên, sau đó GP Takahiro Suzuki đã người đã truyền cho tôi những động lực rất lớn để tiếp tục viết. Anh chia sẻ, viết là hoạt động của Output, mà để Output được thì người viết cần phải được Input trước đó. Tức là phải học hỏi thật nhiều thì mới có thể viết được. Và theo thời gian, viết là cách học hỏi và duy trì việc học hỏi tốt nhất. Và tôi đã quay lại hoạt động viết của mình từ câu nói “điểm tựa” đó. Đúng vậy, thực sự tôi chỉ viết được khi trong đầu tôi luôn đau đáu về một đề tài nào đó, khiến tôi liên tục không ngừng lăn xả học hỏi, trải nghiệm, tìm kiếm thông tin kiến thức cho nó. Và tôi cũng chỉ có được sự bền bỉ, chịu “đau đớn” để viết đều đặn được, khi tôi có đủ sự kỉ luật, và động lực mạnh mẽ cho nó. Động lực đến từ việc tôi muốn được liên tục học hỏi và trưởng thành hơn từ những trang viết của mình. Động lực đến từ mong muốn tạo ra môi trường tôi luyện sự bền bỉ, kỷ luật, sức mạnh nội tại vững vàng - chính là những đức tính cần thiết cần có của một nhà đầu tư VC.
Những ngày đầu tôi viết, tôi không có đủ tự tin chia sẻ với ai cả vì sợ bị đánh giá. Nhưng sau đó những đồng nghiệp và các nhà sáng lập xung quanh đã là “điểm tựa”, cổ vũ tôi tự tin viết và chia sẻ. Vì họ tin rằng tôi có sự tâm huyết, mong muốn truyền tải giá trị qua mỗi bài viết. Đúng rồi, đây chính là động lực tiếp theo vô cùng quan trọng để tôi viết - đó là chia sẻ và lan toả những giá trị tích cực tới những ai quan tâm tới startup và đầu tư khởi nghiệp. Thế là tôi bắt đầu mạnh dạn chia sẻ, từng chút một, rồi đều đặn hơn mỗi ngày từ đó. Cứ thế, để rồi một ngày, các bài viết của tôi được bắt đầu nhận được sự chú ý nhiều hơn của các anh chị em nhà sáng lập startup, và cả báo chí truyền thông nữa, nhiệt tình đón đọc, ủng hộ và giúp các bài viết của tôi được lan toả xa hơn nữa.
Trong quá trình viết và chia sẻ này, tôi cũng nhận ra được hiệu suất ưu việt của các bài viết chỉ tốn khoảng 3~10 phút đọc của tôi, so với nhiều hình thức khác để truyền tải suy nghĩ và bài học của mình. Tôi đã từng thử thách tập tành làm Podcast nhưng tôi nhanh chóng nhận ra việc các nhà sáng lập của mình vốn bận rộn, sẽ không muốn bỏ ra hơn 20 phút chỉ để nghe những nội dung của mình, trong khi vốn dĩ chỉ cần dưới 5 phút đọc là có thể tiếp thu được hết. Tôi từng chỉ đăng bài viết dài trên Facebook, nhưng ở trong “nổi lẩu” mang tên mạng xã hội đó, sẽ khó cho mọi người đủ tập trung và kiên nhẫn để dành sự tập trung dù chỉ 5 phút cho bài viết của tôi. Tôi từng nhận trả lời phỏng vấn báo chí, nhưng do dung lượng và định hướng nội dung của mỗi bài phỏng vấn, rất khó cho tôi có thể chủ động truyền tải hết những suy nghĩ và bài học của mình qua đó. Vì vậy, tôi tin theo thời gian zunzunstartups.com là kênh giao tiếp hiệu quả nhất của tôi với độc giả, là người đã-đang-sẽ quan tâm tới khởi nghiệp.
Cuối cùng, tôi có động lực mãnh liệt thúc đẩy hành trình cùng trưởng thành với những người đọc của mình. Viết là xuất phát điểm cho sự trưởng thành của cá nhân, và nhưng những giá trị lan toả cùng với những cơ hội được thảo luận, học hỏi lẫn nhau giữa tôi và người đọc, giúp chúng ta cùng nhau tốt hơn hơn mỗi ngày. Tôi luôn để chữ Keep fighting kết thúc mỗi bài viết daily catchup của mình, thậm chí còn “cài cắm” trong đường link bài viết. Đó chính là lời cổ vũ tôi, các bạn, chúng ta cùng nhau bền bỉ với hoạt động lan toả giá trị tích cực này nhé! Yeah, just keep fighting!!! P/s: Dưới đây là những dòng tin nhắn động viên của một nhà sáng lập startup, người luôn đọc ủng hộ và tìm thấy giá trị trong những bài viết của tôi. Xin cám ơn anh rất nhiều ạ!