Xin chào các bạn! Vừa qua tại sự kiện Grand Opening Genesia Orbit HCMC và Founders Gathering, trong phiên thảo luận Panel Discussion với 3 nhà sáng lập startup chúng tôi đầu tư và đồng hành, về đề tài KSF (Key Success Factors) của gọi vốn trong bối cảnh “mùa đông” kéo dài và sự thay đổi trong kì vọng của nhà đầu tư. Tôi có đặt ra một câu hỏi: Nếu có một điều ước, nếu hiện thực hoá được, mà có thể giúp các nhà sáng lập dễ thở hơn trong việc gọi vốn, thì đó là điều gì?. Một trong những câu trả lời tôi nhận được mà khiến tôi suy nghĩ và chiêm nghiệm nhiều trong chuỗi những trải nghiệm của mình với việc xây dựng và phát triển Orbit, đó là Founder Empathy.
Tôi luôn coi Orbit như một “đứa con tinh thần” của mình, có thể cũng giống như các nhà sáng lập đối với những startup của mình vậy. Khi mà tất cả những trải nghiệm tôi có được trên hành trình lên ý tưởng, kế hoạch xây dựng, vận hành Orbit này, trải qua những ngày tháng quên ăn quên ngủ, đổ nhiều tâm sức, quay cuồng trong những hỗn loạn bộn bề những ngày đầu vận hành, sự cảm động vỡ oà khi được nhiều người hiểu, ủng hộ tầm nhìn của Orbit để tham gia cùng xây dựng với mình. Từ những trải nghiệm này, tôi thấy mình đã nuôi dưỡng được sự đồng cảm sâu sắc hơn với các nhà sáng lập startup - người mà tôi thường xuyên được tiếp xúc, đồng hành, nhưng trước đây đôi khi tôi cảm thấy chúng tôi vẫn ngồi 2 phía khác nhau của chiếc bàn, dường như là nói 2 ngôn ngữ khác nhau.
Có rất nhiều điều tôi nhận ra, nhưng trong đó có 3 chiêm nghiệm lớn nhất, là 3 điều tôi thấu hiểu được và đồng cảm sâu sắc nhất trong hành trình xây dựng “đứa con tinh thần” Orbit, mà tôi muốn chia sẻ tới mọi người thông qua bài blog Zunzun Catchup lần này.
Đầu tiên là chiêm nghiệm về hành trình “gọi vốn” - huy động nguồn lực và sự ủng hộ tham gia xây dựng Orbit. Chúng ta thường thấy, startup có thể mất 6 tháng, tới 1 năm, thậm chí trong bối cảnh gọi vốn hiện nay thì có thể là lâu hơn, hoặc dù lâu hơn thì cũng gặp nhiều khó khăn để đóng được vòng gọi vốn, tuy nhiên thực tế thì startup đã phải bắt đầu chuẩn bị trước đó từ rất lâu rồi. Tương tự, chúng tôi cũng bắt đầu hành trình “gọi vốn” này, có thể nói là bằng việc tích luỹ sự tin tưởng cũng như kinh nghiệm liên quan từ hơn 2 năm trời trước đó. Đầu tiên đó là tự tin tưởng của các thành viên tại quỹ Genesia Ventures, đặc biệt là từ 2 GP Tajima Soichi và GP Takahiro Suzuki. Điều gì giúp tôi cũng như team Genesia Việt Nam có thể xây dựng được niềm tin, vượt qua nhiều khoảng cách địa lý và ngôn ngữ? Hơn 2 năm qua, có thể nói tôi làm việc hầu như không có ngày nghỉ nào, từ sáng sớm tới tối muộn. Tôi yêu công việc của mình. Tôi có một tầm nhìn và mục tiêu rất rõ ràng trong công việc. Tất cả những điều này tôi tin rằng mọi người trong quỹ đều có thể nhìn thấy rõ, thấu hiểu và cảm động. Cũng hơn 2 năm trước, tôi cùng đội ngũ Genenesia Ventures Việt Nam, đã thử nghiệm tổ chức Founders Gathering, là sự kiện chúng tôi tổ chức hàng quý dành các nhà sáng lập startup quỹ chúng tôi đầu tư. Ở đó, các nhà sáng lập cùng ngồi xuống, cùng nhau chia sẻ về những thách thức và bài học, cùng nhau động viên và chia sẻ các network để kết nối hợp tác phát triển. Cũng từ đây, ý tưởng xuất hiện trong đầu chúng tôi, về việc xây dựng nền tảng kết nối các startup lại gần nhau hơn nữa, hội tụ các nguồn lực cần thiết thúc đẩy các startup mình cùng nhau phát triển, đó chính là Orbit. Do đó, thực sự, khi chúng tôi chia sẻ về ý tưởng và tầm nhìn của mình với Orbit, từ đó là kêu gọi nguồn lực tham gia xây dựng Orbit, với các GP, đội ngũ trong team, các nhà sáng lập và đối tác của mình, chúng tôi nhận được nhiều sự ủng hộ của đông đảo mọi người. Có lẽ điều này, không phải đến từ vài tháng “gọi vốn”, mà đó là đến từ hàng năm trời lao động chăm chỉ miệt mài, để xây dựng niềm tin từ mọi người. Tôi tin rằng, đây là điều chiêm nghiệm đầu tiên mà tôi thấu hiểu đồng cảm hơn với các nhà sáng lập trong hành trình gọi vốn của startup.
Điều tiếp theo, đó là ý nghĩa thực sự từ cơ bản tới nâng cao của “Đồng đội”. Đồng đội, là những người đồng hành, chung một đội lên con thuyền, cùng hướng về một hướng. Tôi dường như có thể đau đáu, thấu cảm sâu sắc hơn với các nhà sáng lập, từ những nụ cười của sự hạnh phúc vui vẻ như thế nào dù mồ hôi vẫn đang rơi, tay vẫn đang lấm bùn, đôi mắt nhiều cuồng thâm của những đêm mất ngủ, say sưa thảo thuận với đồng đội của mình dù đã tới nửa đêm. Bên cạnh đó, có nhà sáng lập đã từng chia sẻ với tôi rằng, có những hôm người ấy thấy mình cô độc trong văn phòng tối muộn một mình tới mức phải phát khóc khi không còn một ai trong sự bất lực khó khăn cần người giúp đỡ. Tôi nghĩ tôi cũng đã có thể thấu cảm một cách sâu sắc được cảm giác bất lực này của các nhà sáng lập. Tôi cũng đồng cảm được trong mọi bộn bề công việc, có quá nhiều thứ phải làm, đầu óc và tay chân còn quay cuồng không một phút nghỉ ngơi, nhiều lúc có thể ta sẽ mất sự bình tĩnh kiên nhẫn đứng lại giải thích từng thứ nhỏ nhặt với đồng đội của mình. Khi đó, đỉnh cao của ý nghĩa “Đồng đội” có lẽ là niềm tin tuyệt đối vào người thuyền trưởng mà mình đã tin chọn để lên thuyền. Thậm chí chỉ cần nhìn ánh mắt, là đã biết người ấy muốn nói gì, là đã có thể hiểu được lý do vì sao họ cần ra quyết định như vậy, hiểu được sự bận rộn và ưu tiên của họ, mà không cần quá nhiều thời gian giải thích nữa. Khi đó, tốc độ ra quyết định, hay nói cách khác tốc độ của con tàu của con tàu sẽ có thể đi được rất nhanh.
Cuối cùng, là điều thứ 3 mà tôi đau đáu chiêm nghiệm, tìm thấy sự đồng cảm với nhà sáng lập trong việc kiên trì, có mục tiêu rõ ràng với Product Market Fit (PMF). Cụ thể, giống như việc launch sản phẩm, việc ra mắt Orbit vừa qua chỉ mới là điểm bắt đầu. Cũng giống như hành trình xây dựng sản phẩm tại startup, những ngày đầu tiên, tôi cùng với đội ngũ của mình cùng nhau thảo luận, lên kế hoạch mà chúng tôi gọi là Road to PMF. Ở đó, chúng tôi hiểu được rằng, cần phải định nghĩa rõ ràng trạng thái của PMF của Orbit sẽ trông như thế nào, với những chỉ số có thể đo lường cho trạng thái đó ra sao, cần làm những gì để đạt được trạng thái PMF đó. Từ đó chúng tôi lên kế hoạch hành động với OKR và KPI rõ ràng chi tiết, được chia nhỏ ra theo quý, từ đó theo tháng, rồi theo tuần. Từ KPI theo tuần đó, tôi lại breakdown hơn nữa lịch trình làm việc theo ngày trong tuần mình để hướng tới việc đạt được mục tiêu lớn đó. Có một nhà sáng lập, từng chia sẻ với tôi rằng, thật ra tất cả các nhà sáng lập chỉ cần một điều duy nhất để thành công, đó là sự kỉ luật. Kỉ luật để nhất quán trong tầm nhìn, nhất quán từ suy nghĩ tới hành động, tất cả để hướng tới mục tiêu đã đề ra. Kỉ luật giúp ta có thể sáng tạo phát triển và bền bỉ đi được đường dài hơn. Thấu hiểu và đồng cảm với suy nghĩ này của nhà sáng lập, tôi và đội ngũ của mình sẽ luôn kỉ luật nhất quán với tầm nhìn Orbit của chúng tôi, từ đó là kỉ luật với kế hoạch hành động đã đề ra để hướng Orbit tới PMF.
Trên đây là 3 chiêm nghiệm, là 3 sự đồng cảm lớn nhất, sâu sắc nhất với các nhà sáng lập mà tôi đã nuôi dưỡng được trong quá trình xây dựng và phát triển Orbit tại quỹ Genesia Ventures Việt Nam. Sự đồng cảm lớn này giúp tôi, trong quá trình đầu tư và đồng hành với startup, tôi sẽ luôn cổ vũ các nhà sáng lập, hãy “Just keep fighting” - trong việc xây dựng và duy trì niềm tin với các stakeholder xung quanh mình, trong việc tìm thấy đúng ý nghĩa của “đồng đội” tại startup, trong việc kỉ luật bền bỉ trên hành trình PMF, phát triển startup mình. Yeah, các nhà sáng lập ơi, chúng ta cùng just keep fighting vì những điều này cùng với Zunzun nhé!!