top of page

Chiêm nghiệm về việc “xây nhà trên đất nhà người khác”, nhìn từ trải nghiệm cá nhân, tới việc phát triển startup bền vững

Xin chào các bạn! Hơn 5 năm trước, khi tôi bắt đầu viết blog chia sẻ về đề tài liên quan tới startup, tôi đã đứng trước hai sự lựa chọn: sử dụng nền tảng Facebook, Linkedin hay Medium sẵn có để phân phối nội dung bài blog cho nhanh, hay là sẽ tự xây dựng một trang blog có tên miền do mình quản lý. Mỗi sự lựa chọn đều có cả Pros - Cons, tuy nhiên tôi đã lựa chọn theo hướng thứ 2, có trang blog zunzunstartups.com của riêng mình. Và trải nghiệm gần đây của mình, khiến tôi nhận ra quyết định hơn 5 năm trước của mình là hoàn toàn đúng đắn. Và cũng từ đây, liên tưởng tới việc lớn hơn là phát triển startup bền vững, tôi có một chiêm nghiệm đau đáu: Đừng sống tầm gửi, xây nhà trên đất nhà người khác!


Vào cuối tháng 3 năm 2019, trong quá trình chuẩn bị hành trang bắt đầu vào làm việc cho quỹ Genesia Ventures tại Tokyo, tôi được truyền cảm hứng để có một quyết tâm mạnh mẽ là: Mình sẽ không ngừng học hỏi và chia sẻ những bài học của mình tới những người quan tâm về startup. Những nội dung chia sẻ này sẽ là những văn bản dài hơn một bài post trên mạng xã hội bình thường và có tính chuyên môn đặc thù liên quan tới startup. Sau khi xác định được “sản phẩm” mình sẽ tạo ra, tôi đi tìm “kênh phân phối” đưa “sản phẩm” nội dung đó tới đúng đối tượng muốn hướng tới. Khi đó, tôi cân nhắc 2 sự lựa chọn: Tận dụng nền tảng sẵn có làm kênh phân phối - Facebook, Linkedin và Medium ; hoặc; Tự xây dựng một trang web riêng làm nơi trung tâm lưu trữ nội dung và dẫn nguồn nội dung đó tới các nền tảng khác nhau. Như các bạn cũng biết, nền tảng tối ưu cho viết blog khi đó là Medium, sau đó nền tảng này nhanh chóng bị chặn truy cập tự do ở Việt Nam. Có thể các bạn cũng nghĩ rằng, nếu không nói tới Medium thì sự lựa chọn thứ nhất là tận dụng Facebook và Linkedin có thể giúp tôi nhanh chóng lan toả được nội dung của mình hơn, vì các nền tảng mạng xã hội đó đã có sẵn vòng bạn bè, follower, và đặc biệt là các nền tảng đó luôn ưu tiên nội dung được đăng trực tiếp lên, và tiện lợi để chia sẻ bài viết của mình, do đó, lựa chọn cách đầu tiên là cách hiệu quả hơn cả. Hơn nữa, nếu không chọn cách nhanh gọn thứ nhất đó, tôi còn sẽ phải bị trả giá, bằng việc bị các nền tảng xã hội đó “bóp tương tác” khi tôi chia sẻ link bài viết đích - là link dẫn người dùng tới nền trảng khác. Nhưng tôi đã chọn cách thứ 2.


Tôi đã hì hục đặt từng viên gạch đầu tiên để xây dựng nên trang web zunzunstartups.com. Đương nhiên những ngày đầu, trang web vô cùng thô sơ, đơn giản, nhưng theo thời gian, từng chút từng chút một tôi điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện thêm. Và đúng là ban đầu và tới tận bây giờ tôi cũng bị “trả giá” không ít cho quyết định này. Ban đầu những bài viết của tôi bị “bóp tương tác”, khiến bài viết của tôi khó tiếp cận chỉ vì đường link gắn kèm tới trang zunzunstartups của tôi. Và gần đây nhất, là bài post của tôi trên Facebook của tôi đã bị Facebook xoá và gỡ bài. Đây là một bài đăng chia sẻ về niềm vui của tôi khi ra mắt văn phòng và nền tảng Genesia Orbit HCMC, bên dưới phần bình luận như mọi lần tôi gắn theo đường link dẫn tới trang nội dung zunzunstartups chia sẻ chi tiết hơn về tầm nhìn và mục tiêu của Genesia Orbit HCMC. Rồi đúng 1 ngày sau, Facebook thông báo về việc bài đăng vi phạm, và tôi suy nghĩ hoài mà vẫn không hiểu bài đăng đó vi phạm ở chỗ nào. Và tới tận bây giờ, dù đã kháng cáo lại quyết định gỡ bài của Facebook rồi, tôi vẫn không nhận lại được bất kì hồi âm nào từ họ và cũng có cách nào lấy lại được bài đăng đã bị xoá đó.


Từ đây, tôi mới thấm thía sâu sắc được rằng: Bài đăng trên tường nhà Facebook đó, thì họ có quyền kiểm soát, muốn thì bóp tưởng tác, muốn thì xoá bài, vì đơn giản đó là nhà của họ. Nhìn nhận vấn đề tích cực từ trải nghiệm mất bài này, thì bài viết nguồn tại trang zunzunstartups.com vẫn còn đó, tuy mất bài bởi Facebook nhưng bài trên Linkedin vẫn còn đó, quan trọng hơn là, sự lựa chọn hơn 5 năm về trước của mình là đúng đắn. Quyết định không chọn nơi tầm gửi là con đường tắt để đi nhanh hơn, mà căm cụi xây nền tảng vững chắc của riêng mình. Quyết định không phụ thuộc vào một nền tảng, mà đa dạng hoá nhiều nền tảng phân phối sản phẩm của mình - là nội dung các bài blog, nhưng tất cả phải được phân phối từ một nền tảng gốc do mình làm chủ, có thể kiểm soát được. Dưới đây là hình ảnh phân bổ lưu lượng truy cập zunzunstartups.com theo các kênh trong 1 tháng gần nhất, 3 tháng gần nhất và 1 năm tới nay. Tôi cảm thấy rất vui khi tầm nhìn đầu tư dài hạn, và sự bền bỉ của mình đã nhìn thấy trái ngọt, khi trang có thể cân bằng được lượng truy cập, và đặc biệt sức mạnh sự bền bỉ tạo ra compound effect giúp trang tăng được SEO, để có được lượng truy cập trang từ Google gia tăng, đứng đầu trong các kênh phân phối. Tiếp theo là sự truy cập Direct - trực tiếp từ các độc giả trung thành yêu thích nội dung của zunzunstartups, khiến tôi không phải phụ thuộc vào sự “Nóng - Lạnh” của các nền tảng xã hội khác để có được traffic.


Cũng từ trải nghiệm cá nhân này của mình, nhìn rộng ra hơn, tôi cũng muốn chiêm nghiệm lại về cách chúng ta xây dựng và phát triển doanh nghiệp của mình. Trong cuộc sống hối hả, nhiều cạnh tranh áp lực hiện nay, thật khó để giữ mình đủ tỉnh táo trong cuộc chạy đua theo doanh số và xu hướng. Thật không khó cho chúng ta bắt gặp nhiều trường hợp các brand, và người bán khi thì tung hô doanh thu “sập sàn” trên các sàn thương mại điện tử, khi thì nháo nhào, bất ngờ ngã ngửa với những chính sách sàn thay đổi, khiến họ phải lao đao. Một khi mình đã “tầm gửi” hoạt động kinh doanh trong trên đất của nhà người ta, thì chúng ta không thể làm gì khác là chấp nhận. Một khi ở trong nhà người khác, họ muốn khi nào nóng thì nóng, khi nào muốn lạnh thì lạnh. Do đó, những hãng sản xuất và chủ các thương hiệu một khi có thể hiểu và tỉnh táo trước vấn đề này, họ sẽ tự xây dựng “ngôi nhà” của mình - brand.com, và không ngừng đa dạng hoá các kênh phân phối, cùng với đó là luôn giữ mối quan hệ trân trọng với hệ thống kênh phân phối hiện hữu của mình.


Còn có một hiện trạng “Xây nhà trên đất nhà người khác” khá phổ biến, là đứng trước xu hướng startup AI lên ngôi, nhiều công ty phát triển sản phẩm dựa trên APIs hoặc nền tảng của các công ty khác. Cái lợi là việc này sẽ giúp công ty có thể phát triển sản phẩm một cách nhanh chóng với chi phí rẻ hơn nhiều so với việc tự phát triển một mình. Ví dụ như hàng chục nghìn các công ty startup AI trên thế giới đang sử dụng OpenAI API hiện nay. Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta cần phải thật tỉnh táo, không để nền móng quan trọng trong hoạt động kinh doanh của bạn, bị phụ thuộc vào người khác, “tầm gửi trên đất nhà người khác”, mà để mình rơi vào trạng thái không thể kiểm soát được, hay cũng không có những sự lựa chọn thay thế nào khác sau này.


Cuối cùng, chúng ta luôn cần phải đi tìm câu trả lời cho câu hỏi quan trọng: nếu như nền tảng kinh doanh quan trọng của mình, chỉ đơn giản là sống dựa vào nền tảng khác để phát triển - điều mà ai cũng có thể làm tương tự được, thì đâu là MOAT - lợi thế cạnh tranh bền vững lâu dài của doanh nghiệp mình? MOAT được trực dịch ra trong tiếng Việt là con hào, được mô tả tượng hình là một rãnh nước sâu vây quanh ngăn cách một toà lâu dài bên trong với thế giới bên ngoài. Con hào này càng sâu và rộng thì việc tấn công chiếm lấy lâu đài thành công lại càng trở nên khó khăn. Đây là hình ảnh ẩn dụ cho nguyên tắc xây dựng lợi thế cạnh tranh bền vững giúp doanh nghiệp có thể bảo vệ mình trước mọi đối thủ từ bên ngoài. Những lợi thế cạnh tranh này cần phải chất lượng, có giá trị trong dài hạn, theo thời gian trở thành điều mà không một đối thủ nào có thể sao chép được. Tôi tin chắc rằng đọc tới đây, các nhà sáng lập startup - những người có tầm nhìn dài hạn, có mong muốn mạnh mẽ phát triển doanh nghiệp bền vững lâu dài, sẽ luôn “keep fighting” - không đầu hàng với việc “sống tầm gửi trên đất nhà người khác”, mà sẽ tìm mọi cách đi tìm lời giải cho câu hỏi vô cùng quan trọng này.


Trên đây là những chia sẻ tâm huyết của tôi về trải nghiệm cá nhân với việc xây dựng phát triển trang zunzunstartups.com, và quan sát của mình về các hoạt động dinh doanh phát triển sản phẩm của doanh nghiệp theo xu hướng hiện nay, để có được một chiêm nghiệm quan trọng trong việc phát triển bền vững là: Không sống tầm gửi, xây nhà trên đất nhà người khác! Hi vọng bài viết này sẽ mang tới một góc nhìn khác, là những thông điệp ý nghĩa và là những gợi ý nho nhỏ tới các nhà sáng lập doanh nghiệp, trong việc xây dựng doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh bền vững lâu dài. Yeah, chúng ta cùng just keep fighting vì điều này nhé!!


bottom of page