top of page

Chiêm nghiệm về Zero-Sum Game và Positive-Sum Game

Xin chào các bạn! Vừa qua tôi có dịp được ngồi xuống với một nhóm các nhà đầu tư trong khu vực tập trung đầu tư vào startup trưởng thành từ series B. Họ chính là những mảnh ghép hoàn hảo để các quỹ đầu tư ở giai đoạn sớm như chúng tôi được “chuyền bóng” - chuyển giao các startup đầu tư tới họ, để tiếp tục nhận được nguồn lực tài chính lớn hơn và sự hỗ trợ đồng hành từ các quỹ đó. Tuy nhiên, tôi đã nhận được câu hỏi thử thách: “Bạn hãy chứng minh rằng đầu tư vào startup ở giai đoạn sau ở Việt Nam, không phải là một Zero-Sum Game?”. Câu hỏi này khiến tôi liên tục suy nghĩ, trăn trở đau đáu trong - sau buổi họp đó, và tới tận bây giờ, là động lực để tôi viết ra những dòng suy nghĩ chiêm nghiệm trong bài blog này.


Để trả lời cho câu hỏi khó này, chúng ta hãy thử lên hành trình suy nghĩ về những chiều sâu ý nghĩa của khái niệm Zero-Sum Game này, đặc biệt khi gắn liền vào từng hoạt động từ nhỏ tới lớn trong cuộc sống, công việc của chúng ta, tới cả bức tranh lớn hơn là thị trường, chuỗi giá trị và hệ sinh thái.


Zero-Sum Game, trực dịch ra có nghĩa là Trò chơi có tổng bằng không. Điều này có nghĩa là, sự gặt hái thành quả, lợi ích của người ngày lại là sự mất mát của người kia khi tham gia chung một hoạt động nào đó. Dấu hiệu nhận diện một hoạt động mang đặc tính trò chơi có tổng bằng không, thường nằm ở việc hoạt động mang ít giá trị, có giá trị hữu hạn, không tạo ra thêm gia trị nào lớn hơn đó nữa,  hoặc có giá trị giảm dần theo thời gian. Từ đây, nhìn rộng ra hơn, nhận diện một thị trường mang đặc tính của Zero-Sum Game thường không cho thấy sự giá trị nào được ra tăng, thị trường hạn hẹp, hạn chế sự phát triển mở rộng. Do đó, những thành phần tham gia trong thị trường người đó, thường có xu hướng chộp giật, không hợp tác mà cạnh tranh dành giật từng phần lợi ích cho mình, điều này đồng nghĩa những người còn lại sẽ bị mất đi từng đó phần của mình trong thị trường đó. Tôi hay gọi thị trường này bằng một cái tên đơn giản hơn là, thị trường của “Người được - Kẻ mất”, của “Người cười - Kẻ khóc".


Mặt khác, trái ngược với Zero-Sum Game này là Positive-Sum Game. Khái niệm này, trực dịch ra là trò chơi có tổng dương. Điều này có nghĩa là, sự gặt hái lợi ích của những người tham gia lớn hơn sự mất mát của những người còn lại khi tham gia chung một hoạt động nào đó. Dấu hiệu nhận diện một hoạt động mang đặc tính trò chơi có tổng dương, thường là nằm ở việc hoạt động đó vốn có giá trị, và càng đặc biệt hơn nữa giá trị đó lại được liên tục gia tăng phát triển theo thời gian. Do đó, những thành phần tham gia thị trường có tổng bằng dương này, thường có xu hướng hợp tác, tìm kiếm nhiều cơ hội cùng phát triển với tư duy win-win. Tôi hay gọi thị trường này bằng một cái tên đơn giản hơn là, thị trường của “Cả nhà cùng vui”, của “Cả nhà cùng thắng”


Quan sát trong cuộc sống xung quanh, chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy các hoạt động mang đặc điểm của Zero-Sum Game. Từ những cuộc hội thoại với tranh luận không đi tới đâu, khi cả hai bên muốn dành phần thắng, nên chỉ tập trung vào việc phủ nhận đối phương, mà không hợp tác phát triển thêm giá trị chung nào từ cuộc thảo luận đó. Tới những đấu đá, chính trị nội bộ trong tổ chức, ở đó người tham gia có tầm nhìn hạn hẹp rằng, sự thăng tiến của người ngày sẽ lấy mất đi cơ hội của người còn lại, mà quên mất rằng, nếu mọi người cùng hợp tác, tập trung vào phát triển doanh nghiệp mình lớn mạnh hơn nữa, thì cơ hội được mở rộng, “miếng bánh” có được của mọi người cùng được lớn hơn, tạo ra Positive-Sum Game thực sự.


Nhìn rộng ra hơn, từ chuỗi giá trị tới hệ sinh thái của bất kì thị trường nào, nếu thị trường đó không được tạo thêm nhiều giá trị mới để mở rộng, mà bị hạn chế phát triển, với quy mô nhỏ hẹp, các thành phần tham gia trong đó không tập trung vào kiến tạo giá trị, không có đủ động động lực tích cực để hợp tác phát triển, thay vào đó rơi vào những cuộc cạnh tranh, chộp giật, người được kẻ mất, thì thị trường đó theo thời gian sẽ bị suy yếu, rơi rụng các thành phần tham gia vì mất niềm tin.


Quay trở lại câu hỏi khó khiến tôi trăn trở ở đầu bài viết này, làm sao để chứng minh được hệ sinh thái startup Việt Nam chúng ta không phải là Zero-Sum Game, mà là Positive-Sum Game? Điều kiện tiên quyết, là tất cả các thành phần tham gia trong hệ sinh thái cần tập trung vào đóng góp những giá trị tích cực, cùng hợp tác, nhằm thúc đẩy không ngừng sự mở rộng phát triển của hệ sinh thái. Trong đó, đặc biệt có startup là nhân vật chính. Startup cần cho thấy tiềm năng phát triển, và giá trị doanh nghiệp được gia tăng bền vững thực sự từ đó. Chia sẻ trong bài blog gần đây của mình về đề tài Interest Alignment: Bài học về việc dung hoà lợi ích, hướng tới sự phát triển bền vững cho startup, tôi tin rằng, tạo ra trạng thái cùng thắng win-win dành cho các bên tham gia cùng với startup, bao gồm các nhà sáng lập, nhà đầu tư, các cổ đông, đội ngũ quản lý, nhân viên,…là vô cùng quan trọng. Điều này, sẽ giúp các bên tham gia có được động lực tích cực hợp tác tham gia hướng tới mục tiêu chung - phát triển startup, từ đó là được hưởng lợi ích chung khi startup thành công. Do đó, hệ sinh thái startup chúng ta cần tạo ra nhiều hơn nữa doanh nghiệp phát triển bền vững thực sự, tạo ra những EXIT thành công một cách ý nghĩa cho các bên tham gia, để có thể chứng minh được hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam chúng ta là Positive-Sum Game, là “cả nhà cùng thắng, cùng vui”! Yeah, chúng ta cùng nhau keep fighting vì điều này nhé!!

bottom of page