Xin chào các bạn! Tiếp nối chuỗi bài viết tâm huyết về hành trình đi tìm những lời giải quan trọng cho startup trong việc tối ưu Bottom-line, trong bài Daily Blog hôm nay, tôi xin phép được chia sẻ về sự thay đổi trong tư duy và chiến lược phát triển để startup có thể làm chủ vận mệnh của mình trong bối cảnh nền kinh tế khắc nghiệt như hiện nay. Đó là, sự thay đổi trong tư duy từ Blitzscaling sang Fitscaling, cùng với chiến lược Controlled Growth dành cho startup, mà tôi đã có dịp chia sẻ về những khái niệm này trong bài viết tạm biệt năm 2022 trước đây.
Cụ thể, tôi tin rằng, chính những thách thức khó khăn kéo dài của thị trường tới nay, đã khiến startup không còn sự lựa chọn nào khác, là buộc phải thích ứng để tồn tại, với những thay đổi cơ bản mang tính bước ngoặt đột phá trong nhận thức tư duy và chiến lược phát triển của các nhà sáng lập startup.
Đầu tiên, là thay đổi từ Blitzscaling sang Fitscaling, để hướng tới sự phát triển về chất, một cách phù hợp hơn và bền vững hơn. Việc gặp khó khăn huy động vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài, khiến các startup phải tập trung hơn vào bên trong để tồn tại, đó là phải tối ưu chi phí và đa dạng hoá các nguồn thu, để đảm bảo dòng tiền của doanh nghiệp. Startup phải tập trung vào sản phẩm cốt lõi, mang lại giá trị thực sự để thuyết phục khách hàng tới và ở lại sử dụng, thay vì theo đuổi chiến lược “đốt tiền” để có được khách hàng bằng mọi giá, và tập trung vào các chỉ số “phù phiếm” để có được định giá cao đến từ phía các nhà đầu tư sau mỗi vòng gọi vốn như thời dòng tiền rẻ trước đây. Startup phải tập trung tuyệt đối vào tính bền vững của mô hình kinh doanh và sự phát triển về chất của doanh nghiệp, bằng việc tối ưu tính đơn vị kinh tế (Unit Economic), gia tăng hiệu quả sử dụng vốn (Capital Efficiency), tìm cách đạt được sản phẩm phù hợp với thị trường (Product Market Fit - PMF), gia tăng biên lợi nhuận (Margin). Đây chính là những điều kiện cần có để startup đạt được North Star Metric trong thời điểm này, đó là Profitability - Có lãi.
Tiếp theo, startup đã có được bài học quan trọng cho những thay đổi cần thiết, áp dụng linh hoạt thực hiện chiến lược “ Controlled Growth - Tăng trưởng có kiểm soát”. Tư duy tăng trưởng có kiểm soát là một kỷ luật lành mạnh để bảo vệ doanh nghiệp, chống lại các mối đe dọa đến từ những biến động khó đoán hay chu kỳ giảm phát từ thị trường. Chiến lược này giúp startup có thể tập trung vào phát triển sức mạnh nội tại, mà không phải các tiêu chuẩn tăng trưởng tùy ý, để phát triển được bánh đà (Flywheel) với nhiều Compound Effect - giá trị tích luỹ lớn dần theo thời gian, một cách bền vững. Để làm được như vậy, startup cần tập trung vào việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm tốt hơn, liên tục duy trì và tạo ra nhiều giá trị lớn hơn nữa cho khách hàng của mình. Thêm nữa, startup cần xây dựng tổ chức đội ngũ mạnh cùng với tầm nhìn rõ ràng, văn hoá doanh nghiệp truyền cảm hứng cống hiến cho các nhân viên của mình.
Tư duy tăng trưởng có kiểm soát này, cũng mang thông điệp nhất quán của Go Slow to Go Fast - Giảm tốc độ để tăng tốc. Trong bài nghiên cứu trên Harvard Business Review của tác giả J. Davis và T. Atkinson, có đề cập khảo sát với 343 doanh nghiệp, thì các doanh nghiệp cứ nhanh chóng làm mọi thứ, theo đuổi tăng tưởng bằng mọi giá thì thường kết thúc với doanh số bán hàng và lợi nhuận hoạt động thấp hơn, so với những công ty biết tạm dừng vào những thời điểm quan trọng để đảm bảo rằng họ đang đi đúng hướng. Hơn nữa, các công ty “giảm tốc độ để tăng tốc” đã cải thiện lợi nhuận của họ, trung bình 40% doanh thu cao hơn và lợi nhuận hoạt động cao hơn 52% trong khoảng thời gian ba năm nghiên cứu. Từ kết quả này, cho thấy việc đi chậm lại vào đúng thời điểm, một cách có chiến lược, cho phép xây dựng năng lực và khả năng của tổ chức trong dài hạn để từ đó doanh nghiệp có thể đi nhanh và xa hơn sau này.
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về những thay đổi cần thiết, trong tư duy phát triển từ Blitzscaling sang Fitscaling, cùng với chiến lược Controlled Growth - tăng trưởng có kiểm soát dành cho startup. Hi vọng, bài viết này là những gợi ý nho nhỏ mang tính nền tảng, giúp các nhà sáng lập startup có thể tìm thấy cho mình những lời giải quan trọng cho bài toán tăng lợi nhuận Bottom-line phù hợp với từng startup của mình nhé. Yeah, just keep fighting!