Vừa qua, tôi có dịp được lắng nghe chia sẻ của một nhà sáng lập startup ở giai đoạn sớm, về những áp lực và khó khăn của mình đã trải qua, đã khiến anh bị mất năng lượng tích cực một thời gian, từ đó là giảm đi hiệu suất làm việc và điều hành startup của mình. Là nhà đầu tư khởi nghiệp, trong quá trình tiếp xúc với nhiều nhà sáng lập startup, tôi nhận thấy có một đề tài vô cùng quan trọng liên quan sức bền của nhà sáng lập và với doanh nghiệp, nhưng lại ít được chia sẻ một cách đầy đủ. Đó là vấn đề quản lý năng lượng. Đây không chỉ đơn giản là vấn đề riêng của quản lý sức khoẻ hay quản lý thời gian. Mà là sự tổng hoà của các kỹ năng quản lý sức khoẻ, tinh thần, thời gian, và động lực để tối ưu được hiệu suất làm việc trong một khoảng thời gian dài.
Gần đây, trong sự kiện gặp mặt các anh chị em làm VC và startup tại Việt Nam, rất vui cho tôi, khi được một tiền bối lâu năm trong nghề VC khen tôi là VC có nhiều năng lượng nhất anh từng gặp trong giới. Đây có lẽ, hơn là một lời khen, là sự cổ vũ, là sự ghi nhận nỗ lực của tôi trong việc duy trì năng lượng tích cực để lăn sả với nghề này tới nay. Tuyệt nhiên đây không phải là điều dễ dàng có được, mà cả là một hành trình cố gắng, bền bỉ và kỷ luật của tôi để luôn duy trì sức khoẻ tốt về cả thể chất và tinh thần với nhiều nguồn năng lượng tích cực dồi dào. Mặc dù có thể tôi không phải là người thực sự có nhiều kinh nghiệm nhất về việc quản lý năng lượng dành cho các nhà sáng lập, nhưng dựa trên những trải nghiệm thực tế của bản thân, hi vọng thông qua bài viết này, tôi có thể chia sẻ tới mọi người 4 cách quản lý năng lượng mà tôi thấy hiệu quả nhất, bên cạnh những cách cơ bản và quan trọng thường xuyên được đề cập tới, như ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, và làm việc - nghỉ ngơi điều độ.
Đầu tiên, là CONNECT - kết nối với những mục tiêu, là những động lực mạnh mẽ của mình trong mỗi hành động và công việc mà mình muốn phân bổ năng lượng. Đây chính là sợi dây kết nối nguồn năng lượng từ bên trong con người mỗi chúng ta. Với nhà sáng lập đó có thể là tầm nhìn, sứ mệnh và cả những mục tiêu cần đạt được của startup. Với tôi, tôi luôn có những động lực mạnh mẽ, cho những mục tiêu rõ ràng, cụ thể trong nghề đầu tư khởi nghiệp của mình. Đây là điều vô cùng quan trọng giúp tôi có thể luôn trong tâm thế chủ động, để phân bổ năng lượng của mình của mình hiệu quả và tích cực hướng tới mục tiêu của mình.
Thứ hai, là FOCUS vào những điều quan trọng. Cụ thể là, dựa trên việc hiểu rõ động lực và mục tiêu hướng đến của mình, chúng ta cần xác định rõ những công việc quan trọng nhất giúp hướng tới mục tiêu đó, để tập trung hoàn thành tốt. Đặc biệt là cần tránh việc bị bận rộn, sa đà vào những đầu việc không quá quan trọng hoặc liên quan trực tiếp với việc đạt được mục tiêu đó. Vì đây là cách nhanh chóng nhất để làm tiêu hao năng lượng của bạn. Do đó, chúng ta cần phải có đủ sự tỉnh táo và dũng cảm để “Say No” với những việc không thực sự quan trọng của mình. Với tôi, trước mỗi quyết định của mình, tôi luôn đặt 2 câu hỏi quan trọng: Tại sao tôi cần làm việc này, nó có kết nối với động lực và mục tiêu của mình thực sự không? Nếu vậy, tôi cần phân bổ khoảng bao nhiêu năng lượng trong khoảng thời gian bao lâu để hoàn thành công việc này? Đây chính là cách tôi tập trung, giữ năng lượng và có trách nhiệm với những việc quan trọng mình làm, trong một khoảng thời gian dài.
Tiếp theo là RUNNING - chạy mỗi ngày để duy trì sức khoẻ và sức bền. Mỗi ngày, dù bận có bận tới mấy, tôi đều kỷ luật đều đặn dành ra 30 phút chạy bộ. Tôi thường chạy bộ vào buổi tối, sau khi kết thúc công việc của mình. Trong lúc chạy bộ, tôi cũng tận dụng thời gian này, để suy nghĩ về 1 ngày của mình, hoặc lắng nghe podcast, sách nói với những chia sẻ kiến thức ý nghĩa. Chạy bộ giờ đây đã thực sự trở thành sở thích của tôi mỗi ngày, khi đã giúp tôi có một sức khoẻ thể chất bền bỉ và một tinh thần tích cực. Đây cũng là điều quan trọng, giúp tôi luôn dồi dào năng lượng, luôn sẵn sàng với công việc với hiệu suất cao trong mọi hoàn cảnh.
Cuối cùng là WRITING - viết 30 phút mỗi ngày giúp tôi sống sâu lắng hơn, bền bỉ hơn. Để làm được như vậy, tôi luôn cần phải “giữ sức” - giữ năng lượng cho những chiêm nghiệm ý nghĩa khi viết, không thể “hời hợt” sống qua loa, không thể làm mọi thứ nhưng thiếu chiều sâu được. Đặc biệt là việc viết mỗi ngày, đòi hỏi tôi phải giữ và tái tạo năng lượng để liên tục input (tiếp thu những kiến thức, trải nghiệm mới) để output (tạo ra những kết quả từ những input trước đó). Đây chính là cách để tôi tập luyện tạo ra sức bền trong quản lý tái tạo năng lượng của mình.
Xin cám ơn các bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của tôi nhé! Hi vọng, những chia sẻ đơn giản trong bài Daily Catchup của tôi hôm nay, có thể là những gợi ý nho nhỏ gửi gắm tới các nhà sáng lập tham khảo để tự tìm ra cách làm hiệu quả nhất cho mình trong việc quản lý năng lượng để chạy bền nhất với startup của mình nhé! Yeah, keep fighting!!!