top of page

Key takeaways: Những chia sẻ về cách tiếp cận “nhỏ mà có võ” của startup với ngân hàng, từ buổi workshop tại Genesia Orbit HCMC

Xin chào các bạn! Vừa qua, tại Genesia Orbit HCMC chúng tôi đã tổ chức một buổi workshop nho nhỏ ấm áp, với sự tham dự của 7 đại diện đến từ 2 ngân hàng, một trong nước và một nước ngoài, với các nhà sáng lập và nhân sự cấp cao chịu trách nhiệm mảng tài chính của 7 startup mà quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư, đồng hành phát triển tại Việt Nam. Tại workshop này, các đại diện đến từ ngân hàng đã chia sẻ cách tiếp cận hiệu quả, để có thể tiếp cận các đối tác ngân hàng, tìm kiếm cơ hội hợp tác đi cùng với startup, dù ở giai đoạn sớm. Tôi xin phép được chia sẻ một vài key takeaways từ buổi workshop trong bài blog này nhé!



Đầu tiên, startup có thể từng bước xây dựng lịch sử tín dụng với ngân hàng, bắt đầu từ những giao dịch tiền gửi dù là nhỏ cũng được, miễn là xây dựng trước được những “điểm chạm” hình thành dữ liệu lịch sử giao dịch với ngân hàng. BuyMed - startup cung cấp nền tảng B2B giao dịch dược phẩm và thiết bị y tế cho các nhà thuốc, mà quỹ chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, đã tận dụng rất tốt lợi thế vòng xoay dòng tiền tích cực của mình, để tiếp cận những khoản vay vốn lưu động từ ngân hàng, khi startup này còn ở giai đoạn sớm. Ban đầu, BuyMed đã nỗ lực chú tâm xây dựng mối quan hệ với các ngân hàng, bằng những khoản tiền gửi được chia nhỏ, gửi vào các ngân hàng là đối tác tiềm năng có thể cho BuyMed vay vốn sau này. Từ đó, startup này đã bắt đầu đăng kí những khoản vay nhỏ, dùng chính những khoản tiền gửi đó để làm tài sản đảm bảo, rồi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ đúng kỳ hạn, đảm bảo uy tín. Cứ như vậy, BuyMed sau khi đã tích luỹ được lịch sử tín dụng một cách tích cực với ngân hàng, theo thời gian startup này có thể tiếp cận được những khoản vay vốn lưu động lớn, với điều kiện tốt hơn, giảm đi tỉ lệ phải đặt cọc khi có thể tận dụng được các “tài sản đảm bảo thay thế” bằng chính dòng tiền hoạt động kinh doanh tốt của mình.



Không dừng lại ở đó, đại diện từ phía ngân hàng còn chia sẻ thêm tại buổi workshop một bài học quan trọng về việc, đó là quản trị tốt, từ cá nhân tới doanh nghiệp, từ những việc nhỏ nhất ở giai đoạn sớm, để mình có được tâm thế tốt khi tiếp xúc với ngân hàng. Cụ thể, là các nhà sáng lập - đại diện pháp luật của startup, cần tránh để mình có điểm tín dụng xấu, bằng việc cẩn thận khi dùng thẻ tín dụng hoặc vay trả góp. Với startup, những điều cơ bản trong quản trị tài chính và quản trị doanh nghiệp cần được làm đúng, ví dụ như luôn có sẵn báo cáo tài chính các năm gần nhất, minh bạch dòng tiền, lưu trữ hợp đồng, hoá đơn, biên bản giao nhận, quyết toán thuế,…Các nhà sáng lập có tin được không? Trước khi ngân hàng tới gặp bạn, thì phía ngân hàng đã quét hết các dữ liệu, và đã có thể sơ bộ đánh giá “mức độ uy tín” của nhà sáng lập và startup của mình. Đồng thời, bất kì những “điểm chạm” sau đó, cũng sẽ giúp ngân hàng update - cập nhật “mức độ uy tín” này. Từ việc nhỏ như startup có chuẩn bị sẵn các thông tin cơ bản hay không, bằng việc startup có thể chia sẻ nhanh chóng và chính xác tới mức nào, cho tới việc lớn hơn như nhà sáng lập startup cho thấy năng lực quản trị, phát triển startup trong tương lai tới đâu.


Trên đây là một vài key takeaways là những cách tiếp cận “nhỏ mà có võ” mà startup ở giai đoạn sớm có thể thực hiện tốt, để từng bước xây dựng mối quan hệ ý nghĩa với ngân hàng để tiếp cận khoản vay tài chính giúp startup phát triển sau này. Hi vọng, thông qua bài viết này, các nhà sáng lập có thể tìm thấy những gợi ý nho nhỏ giúp startup có thể chủ động hơn trong việc hoạch định lộ trình tiếp cận vốn vay từ ngân hàng, giúp startup tối ưu chu kỳ vốn lưu động, tối ưu chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư hiệu quả vào cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động mở rộng phát triển kinh doanh của startup sau này. Yeah, just keep fighting vì điều này nhé, các nhà sáng lập ơi!!

bottom of page