Bền bỉ đi cùng với các nhà sáng lập trên hành trình đi tìm những lời giải quan trọng cho bài toán tăng lợi nhuận Bottom-line trong khi vẫn có thể tăng cường được nội lực cho startup để phát triển bền vững lâu dài, tôi rất vui mừng khi thấy chúng tôi có thể chạm tới bài viết thứ 8 trong chuỗi series này ngày hôm nay. Đây là “trùm cuối” quan trọng nhất, giúp startup tăng “Bottom-line” không chỉ theo nghĩa đen, mà còn theo nghĩa bóng ở tầng sâu sắc hơn. Đó chính là sự Kỉ luật. Tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình ý nghĩa và case về việc xây dựng văn hoá kỉ luật dành cho startup ở giai đoạn sớm trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!
Với startup, đặc biệt là startup ở giai đoạn sớm, luôn luôn phải đối mặt với áp lực nguồn lực hạn chế đi cùng với áp lực tăng trưởng nhanh. Điều này, khiến startup không nên và không thể lãng phí nguồn lực và thời gian và những điều mà không tạo ra giá trị cho mục tiêu tăng trưởng của mình. Để làm được vậy, startup luôn cần sự kỉ luật. Sự kỉ luật là cách tốt nhất để tạo ra sự tỉnh táo tập trung. Để tập trung vào những điều thực sự quan trọng với sự phát triển của startup. Đó là tầm nhìn (Vision), giá trị cốt lõi (Core Value), Cột mốc phát triển theo từng giai đoạn (Milestone), là đồng đội (Team), sản phẩm (Product), là khách hàng (Customer). Sự kỉ luật sẽ giúp startup ra mọi quyết định đều hướng vào những điều quan trọng này của startup. Chính sự kỉ luật giúp startup quản lý thời gian, quản lý tài chính, quản lý nhân lực một cách hiệu quả hơn khi thực thi triển khai bất kì một hoạt động trong tổ chức. Đây cũng chính là KSFs quan trọng giúp công ty có thể tập trung hiệu quả vào mục tiêu là tối ưu lợi nhuận của startup.
Tôi đã từng chia sẻ trong bài viết trước đây của mình, về một concept rất ý nghĩa trong cuốn sách Good To Great của Jim Collins như dưới đây. Ở đó, tôi tin rằng concept này có thể áp dụng được cho cả cá nhân và tổ chức, trong đó bao gồm cả các startup ở giai đoạn sớm với nguồn lực hạn chế, trong việc xây dựng sức mạnh nội tại để có thể bứt phá, phát triển trong tầm nhìn dài hạn. Cụ thể, tác giả Jim Collins đã nhấn mạnh vào 3 thành tố quan trọng nhất để xây dựng “Bánh đà” phát triển, đó là: Disciplined people - Con người kỉ luật, Disciplined thought - Suy nghĩ kỷ luật và Disciplined action - Hành động kỷ luật.
Tiền đề là xuất phát từ cá nhân. Chỉ những nhà lãnh đạo kỷ luật mới có khả năng tạo ra văn hóa kỉ luật trong công ty của họ. Do đó, bản thân các nhà sáng lập cũng cần là tấm gương với sự kỉ luật nhất quán của mình. Từ đó, để có thể thu hút tuyển dụng được những người cũng có tinh thần kỉ luật, cùng định hình nên một tổ chức là tập thể của những con người kỉ luật. Một khi có được những tiền đề này, startup mới thực sự có thể tăng cường được sự hiệu quả trong việc: Tránh được rủi ro tuyển sai người; Giảm lãng phí nguồn lực vào quản lý con người vì những người kỉ luật sẽ biết họ cần phải làm gì hướng đến cái gì; Tập trung vào những điều quan trọng nhất giúp nâng cao hiệu suất, hướng tới đạt được mục tiêu của startup.
Tiếp theo, startup với những nhà sáng lập, đội ngũ lãnh đạo trong một tập thể chung có sự kỉ luật, sẽ mang theo suy nghĩ kỉ luật nhất quán với mục tiêu của mình, để sẵn sàng đối mặt với thực tế dù là khốc liệt nhất, trong khi không đánh mất niềm tin và tầm nhìn của mình. Giống như một chú Nhím, có thể làm tốt một điều - cuộn tròn như một quả bóng để tự bảo vệ mình. Nhím không để mình sa lầy vào sự phức tạp. Tất cả những gì Nhím thấy là một mục tiêu duy nhất và họ tập trung thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Startup cũng vậy, là tập trung những điều quan trọng nhất của mình.
Cuối cùng, những nhà sáng lập có kỉ luật với những đồng đội kỉ luật, có những suy nghĩ kỉ luật sẽ hướng tới những hành động kỉ luật nhất quán, cùng nhau định hình nên một văn hoá tổ chức có kỷ luật tại startup. Tất cả những điều này sẽ thúc đẩy hiệu suất cấp số nhân startup có thể tận dụng thế mạnh công nghệ của mình làm đòn bẩy, giúp công ty có thể liên tục tập trung mở rộng hiệu quả để phát triển.
Trên đây, chính là 3 sự kỉ luật cần có, là động lực quan trọng để tạo ra hiệu ứng “Bánh đà” (Flywheel), đưa công ty xây dựng và duy trì được nội lực mạnh mẽ, tập trung vào những điều quan trọng để phát triển bứt phá. Có thể startup sẽ cần nhiều năm bền bỉ, nhất quán để đưa bánh đà tăng tốc, nhưng một khi bánh đà đã quay và tăng tốc, thì không có có điều gì cản được sự phát triển mạnh mẽ của startup.
Trong nhiều nhà sáng lập, có lẽ có 2 nhà sáng lập có sự kỉ luật một cách ấn tượng mà tôi may mắn có cơ hội được đầu tư và đồng hành phát triển tới nay. Đó là Anh Nguyễn Hải Ninh - Cofounder & CEO của M Village, anh Trường Bomi - Cofounder & CEO của Rootopia. Cả hai nhà sáng lập này đều giữ tinh thần kỉ luật từ lối sống tới phong cách lãnh đạo của mình một cách nhất quán.
Ở anh Nguyễn Hải Ninh, anh là một người rất kỉ luật với thời gian. Anh chưa bao giờ tới muộn bất kỳ một buổi họp nào với chúng tôi. Thậm chí anh còn tới sớm hơn thời gian bắt đầu buổi họp. Từ lời nói, tư duy, tới hành động đều rất nhất quán, nhanh nhẹn, hiệu quả. Mà tôi tin rằng, để được như vậy, anh luôn có sự kỉ luật với những mục tiêu hướng đến tầm nhìn của M Village. Sự kỉ luật này giúp anh luôn giữ chứ tín, sẵn sàng làm việc, với tinh thần trách nhiệm và sự tập trung tuyết đối với những cam kết của mình. Anh nói A thì sẽ làm A. Không lan man sa đà. Và một khi anh làm A thì anh sẽ luôn tập trung làm cho tới, một cách thuyết phục. Xuất phát từ nhà sáng lập làm gương, tôi tin rằng tinh thần kỉ luật này của anh lan toả tới các đồng đội nhân viên trong tổ chức, hình thành nên văn hoá kỉ luật, giúp công ty luôn tập trung vào đúng những điều quan trọng nhất, mà theo anh đã từng chia sẻ rằng, tầm nhìn M Village là 10, 20 năm - mà một thứ tồn tại được trong khoảng thời gian đó chắc chắn phải bền vững.
Còn ở anh Trường Bomi, anh là một người kỉ luật với lối sống lành mạnh. Anh nổi tiếng trong cộng đồng khởi nghiệp bởi tinh thần khoẻ mạnh bền bỉ của một vận động viên chạy chuyên nghiệp. Anh duy trì lối sống, ăn uống, vận động lành mạnh để luôn có thể tập trung tuyệt đối vào điều quan trọng nhất tại Rootopia. Chính từ lối sống kỉ luật này, đã truyền cảm hứng rất nhiều tới các nhân viên khác, thậm chí tới cả những nhà đầu tư đồng hành như chúng tôi. Mỗi thứ 3 và thứ 5 hàng tuần sau giờ làm việc, anh và đồng đội của mình sẽ cùng nhau chạy tại khu gần văn phòng startup này. Thậm chí, khi tổ chức hoạt động team building xa khỏi thành phố, anh cũng sẽ khéo léo sẽ kết hợp luôn chương trình chạy marathon cho đồng đội của mình cùng tham gia. Chính việc xây dựng văn hoá kỉ luật lành mạnh thế này, giúp mọi người luôn có nhiều năng lượng tích cực hoàn thành công việc trước mắt, mà còn giúp duy trì sự sáng suốt, sức bền để tập trung vào việc xây dựng giá trị lâu dài cho Rootopia trong tầm nhìn dài hạn.
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về KSF “trùm cuối” là sự Kỉ luật, để giúp startup tăng "Bottom-line” không chỉ theo nghĩa đen, mà còn theo nghĩa bóng ở tầng sâu sắc hơn, đó là tập trung đạt được mục tiêu phát triển bền vững lâu dài cho doanh nghiệp. Hi vọng, bài viết này có thể là gợi ý nho nhỏ cho các nhà sáng lập startup trong việc xây dựng sức mạnh nội tại cho startup của mình. Yeah, chúng ta cùng keep fighting cho điều này nhé!!