Vừa qua tôi có tham gia họp với đội ngũ sáng lập của một startup tại Việt Nam, với mô hình tạo doanh thu từ bán quảng cáo và thu phí người dùng theo tháng với các gói dịch vụ nâng cấp (premium plan). Nhận thức được vai trò quan trọng của SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), tôi có đặt một vài câu hỏi về cách startup này xây dựng chiến lược SEO. Tuy nhiên, từ câu trả lời nhận được từ đội ngũ nhà sáng lập khiến tôi nhận ra được rằng, SEO vẫn chưa được nhận thức đúng tầm quan trọng của nó trong việc giúp startup ở giai đoạn sớm phát triển một cách dài hạn. Đây chính là động lực giúp tôi tìm hiểu sâu về vai trò và ví dụ nổi bật về cách startup Canva theo đuổi chiến lược tăng cường SEO cho mình, thông qua bài viết này.
SEO được viết tắt từ Search Engine Optimization - Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm, hiểu một cách đơn giản là cách giúp startup được xuất hiện ở ví trí cao trong danh sách kết quả tìm kiếm của người dùng, gia tăng được xác suất người dùng truy cập vào website của công ty, quan tâm tương tác và từ đó có thể trở thành khách hàng của startup. SEO được ưa chuộng và trở nên phổ biến vì nó hoàn toàn miễn phí. Nếu như startup chạy marketing có trả phí, thì có thể có được lead - khách hàng quan tâm tới dịch vụ, đa số đến từ trong quá trình chạy quảng cáo. Mặt khác, SEO có thể mang tới cho startup những organic lead - khách hàng quan tâm một cách tự nhiên, miễn phí và mọi lúc.
Hiện nay, công cụ tìm kiếm SEO và các thuật toán của chúng đã trở nên tinh vi, phức tạp hơn rất nhiều và do đó, có chiến lược xây dựng SEO từng áp dụng cách đây nhiều năm trước, có thể không còn hiệu quả ngày nay. Ví dụ, chỉ tính riêng vào năm 2020, Google đã chạy hơn 600,000 thử nghiệm, can thiệp vào thuật toán tìm kiếm của mình. Từ các thử nghiệm đó, đã dẫn đến hơn 4,500 thay đổi đối với tính năng công cụ tìm kiếm. Tất cả những thay đổi này đòi hỏi các công ty khởi nghiệp, phải linh hoạt điều chỉnh chiến lược SEO của mình.
Tuy nhiên có lẽ có một startup, đã trở thành một ví dụ kinh điển về cách xây dựng SEO một cách bền bỉ và hiệu quả, vẫn luôn mang lại những bài học có giá trị tham khảo quan trọng cho các startup ở giai đoạn sớm khác. Đó là Canva. Đây là startup cung cấp phần mềm thiết kế đồ họa online giúp người dùng có thể hiện thực hóa các ý tưởng thiết kế mà không cần các phần mềm chuyên dụng phức tạp. Canva được thành lập vào năm 2012, đạt được định giá hơn 1 tỉ USD vào năm 2015, và tới nay được định giá hơn 40 tỉ USD vào vòng gọi vốn gần nhất khi startup này đã gọi được 200 triệu USD vào tháng 9 năm 2021. Tính tới thời điểm tháng 10 năm 2022, Canva đã có hơn 100 triệu người dùng thường xuyên mỗi tháng từ hơn 190 quốc gia. Trong đó theo báo cáo cuối năm 2021, startup này có 67% người dùng trả phí cho phiên bản nâng cấp của mình. Để làm được như vậy, tất nhiên ngoài sản phẩm ưu việt, giải quyết JTBD - công việc thiết kế cần hoàn thành của người dùng, startup này đã cho thấy mình là bậc thầy trong việc tối ưu kết quả tìm kiếm. Hiện nay, Canva có hơn 365 triệu lượt truy cập website hàng tháng, với hơn 4 triệu backlink - là liên kết được trả về từ các website, diễn đàn, blog và các mạng xã hội tới trang web này.
Đã có rất nhiều bài viết phân tích chi tiết về những cách Canva đã thành công trong việc xây dựng SEO vượt trội cho startup của mình. Trong đó, tôi thấy có 2 Key success factors - là thành tố quan trọng nhất cho điều này.
Đầu tiên, đó là Canva đã nhận ra được sức mạnh của content thông qua những bài blog của mình, không chỉ là phương tiện để kép nhiều lượt truy cập về cho website, mà còn là nguồn nội dung đào tạo huấn luyện người dùng sử dụng công cụ thiết kế của Canva, cũng như còn là công cụ để tạo ra được nhiều lead là những người dùng quan tâm tới sản phẩm của Canva thực sự. Do đó, Canva đã đầu tư phát triển đội ngũ làm content, tập trung vào 2 loại hình nội dung chính là nội dung có nhiều từ chia khoá tìm kiếm (ví dụ như: cách thiết kế namecard độc đáo, cách thiết kế ảnh nền cho Zoom), và nội dung quảng bá sản phẩm tính năng mới của Canva.
Tiếp theo, từ những ngày đầu tiên, Canva đã có chiến lược bài bản khôn ngoan trong việc gia tăng liên kiết backlink trả về cho website của mình. Cụ thể là sau khi Canva sản xuất xong content của mình, họ sẽ có đội ngũ gọi là SEO Outreach Specialist, chuyên tiếp cận các nhà báo, nhà sáng tạo nội dung uy tín, để ngỏ lời mời họ đăng link của content đó đính kèm trên bài viết hay nội dung của họ tạo ra. Đây là chính là cách họ tạo ra được nhiều Backlink, là các liên kết được trả về từ các website, diễn đàn, blog và các mạng xã hội tới trang web của Canva. Cũng từ đó, đã giúp họ gia tăng được độ uy tín, thứ hạng kết quả tìm kiếm cho website của mình.
Trên đây là những chia sẻ của tôi về vai trò quan trọng của SEO trong việc liên tục kéo được người dùng quan tâm tới sản phẩm của startup ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên không có con đường nào tắt nào cả cho dù là với những chiến lược không ngoan hiệu quả nhất. Canva cũng không phải là ngoại lệ. Họ cũng mất hơn 10 năm bền bỉ nỗ lực từ những ngày đầu với chiến lược SEO kể trên của mình để có được vị trí cao trong kết quả tìm kiếm và lượng truy cập khủng như hiện nay. Hi vọng đây sẽ là nguồn cảm hứng, động lực giúp các startup Việt chúng ta có sự đầu tư đúng đắn và sự bền bỉ cần thiết thực thi chiến lược SEO của mình nhé! Keep fighting!!!