top of page

Suy nghĩ về cám dỗ lớn đối với các nhà sáng lập khi có nhiều tiền trong tay từ gọi vốn

Gần đây, tôi đã có một buổi thảo luận vô cùng ý nghĩa với một nhà sáng lập startup bên quỹ chúng tôi đầu tư và đồng hành, về những cám dỗ mà các nhà sáng lập có thể phải đối mặt trên hành trình khởi nghiệp của mình. Ở đó, thông thường sẽ có 2 kiểu thách thức mang tính “lửa thử vàng” là khi nhà sáng lập cũng như startup không có tiền trong tay, và khi họ có rất nhiều. Nhân bài báo về việc sai phạm tài chính của startup Spenmo vừa qua trong khu vực, tôi xin phép được chia sẻ một vài suy nghĩ của mình về một trong những cám dỗ lớn nhất của các nhà sáng lập, đó là, thử thách bản lĩnh khi trong tay có rất nhiều tiền, đặc biệt là sau các vòng gọi vốn, trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!


Cuối năm ngoái, tôi cũng đã chia sẻ một phần về đề tài này trong bài viết “Cám ơn 2022 - năm bản lề cho sự thay đổi cần thiết, để startup phát triển bền vững hơn”. Cụ thể, là về case Zilingo. Tháng 3 năm 2022, Zilingo đã quyết định đình chỉ Nhà sáng lập, CEO Ankiti Bose vì những khiếu nại về bất thường tài chính. Startup này đã huy động được 310 triệu USD từ một số nhà đầu tư nổi tiếng nhất trong khu vực, bao gồm Temasek và Sequoia Capital India. Tuy nhiên, trong 2 năm hoạt động liên tiếp, công ty này đã không nộp báo cáo tài chính hàng năm - đây là yêu cầu cơ bản đối với tất cả các doanh nghiệp startup, thậm chí cả với startup ở giai đoạn sớm. Bên cạnh đó, Zilingo còn bị phát hiện ra các vấn đề về ghi nhận doanh thu, sử dụng vốn không hiệu quả khi đã “đốt tiền” tốn kém cho các hoạt động mở rộng sang các thị trường mới. Tiếp theo sau đó là câu chuyện xoay quanh sự quản lý yếu kém nội bộ Zilingo. Cuối cùng là CEO Bose, COO Aadi đã phải rời khởi công ty vào tháng 7 vừa qua. Co-founder còn lại là Kapoor lên làm CEO thay thế, hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn để vực dậy công ty.


Thì vừa mới đây, tin tức về sai phạm tài chính của startup Spenmo có trụ sở Singapore lại tiếp tục là gáo nước lạnh lên niềm tin của mọi người trong hệ sinh thái startup, đặc biệt là các nhà đầu tư khởi nghiệp - những người vốn đã trở nên vô cùng thận trọng “kỉ luật” đầu tư trong giai đoạn thị trường đi xuống như hiện nay. Cụ thể, CPO Andika Prasetya, bị nghi ngờ đã lấy cắp khoảng 1.2 triệu đô la Singapore từ quỹ của startup và khách hàng của mình, khiến cho quỹ đầu tư Insight Partners và Alpha JWC Partners tiến hành một cuộc điều tra nội bộ. Ngoài việc lấy cắp tiền và biển thủ, Spenmo cũng có vấn đề về trách nhiệm và minh bạch trong các chi phí kinh doanh của chính mình. Các chi phí hàng tháng của công ty, do CEO Mohandass Kalaichelvan và CPO Andika Prasetya thực hiện, ít khi được ghi chép hoặc được hỗ trợ bởi biên lai, và thường được chi cho mục đích giải trí cá nhân. Những vụ việc này cũng đã phơi bày ra các vấn đề lớn hơn trong Spenmo, bao gồm sự vắng mặt của các quy trình quản trị tài chính doanh nghiệp cần thiết.


Điểm chung của 2 công ty này, là các sai phạm chỉ được phát hiện một khoảng thời gian sau khi công ty đã huy động được “thành công” những vòng gọi vốn “khủng”, rồi những sai phạm tài chính xảy ra, công ty hoạt động sa sút, các nhân viên phẫn nộ rời đi, các nhà đầu tư bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả sử dụng dòng vốn đầu tư, và bắt đầu đi vào điều tra. Nếu như case của Zilingo gọi được tổng cộng 310 triệu USD, thì Spenmo cũng đã huy động được kết thúc vòng gọi vốn Series B trị giá 85,35 triệu USD vào đỉnh của chu kỳ gọi vốn vào tháng 1 năm 2022, được dẫn đầu bởi Tiger Global và tham gia bởi Insight Partners, Rocket Internet, Alpha JWC Ventures và Salesforce Ventures.


Từ 2 case “xa mà gần” này với hệ sinh thái startup Việt Nam, một lần nữa tôi muốn khẳng định niềm tin mạnh mẽ của mình rằng, với startup nếu thực sự có tầm nhìn phát triển dài hạn bền vững, thì sự Kỷ luật trong duy trì những giá trị đạo đức của nhà sáng lập và đội ngũ, quản trị doanh nghiệp (Corporate Governance) đúng đắn, kỷ luật quản lý tài chính hiệu quả và minh bạch là những “nền móng” vô cùng quan trọng, ko thể thiếu cho bất kỳ một doanh nghiệp nào. Nhà sáng lập startup ở đầu bài viết khi ngồi nói chuyện với tôi, đã có những chia sẻ vô cùng sâu sắc với tôi về suy nghĩ của anh khi đối mặt với những cám dỗ lớn. Rằng, đôi khi ai cũng cần có những bài test, nếu không vượt qua được thì thất bại, còn nếu vượt qua được thì sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều. Cả startup và nhà sáng lập cũng vậy, luôn bị đặt trong hoàn cảnh bị “test” kiểm tra bản lĩnh của mình, cả trong lúc không có tiền để đưa công ty phát triển, và khi trong tay có rất nhiều tiền. Trong hoàn cảnh này, bản lĩnh nhà sáng lập nằm ở việc giữ mình tỉnh táo, tập trung vào điều quan trọng nhất, không bị lạc lối, tiếp tục đưa công ty phát triển hơn nữa là điều vô cùng quan trọng. Do đó, tôi cũng tin rằng, sau mỗi vòng gọi vốn, được gửi gắm nhiều tiền, cùng với niềm tin của các nhà tư, nhân viên, đối tác của mình, các nhà sáng lập cũng chính thức bước vào “bài test mới ở một level cao hơn” đòi hỏi bản lĩnh giữ kỉ luật, đạo đức và thực hành quản trị tài chính doanh nghiệp đúng đắn hơn rất nhiều ở họ.


Nhân tiện đây, tôi cũng muốn chia sẻ sự thật thú vị về nhà sáng lập startup ở đầu bài viết này. Dù startup của anh vừa qua đã kết thúc vòng gọi vốn series B với số tiền gọi được là 51.5 triệu USD, thì anh luôn giữ lối sống vô cùng kỉ luật và giản dị. Anh luôn mặc đúng một kiểu quần áo trong bất kì buổi họp gặp mặt nào với chúng tôi, anh luôn lặng lẽ bắt Grab Bike di chuyển giữa các buổi họp trong thành phố, và lựa chọn hãng hàng không giá rẻ VietJetAir để đi công tác để tiết kiệm chi phí nhất cho công ty của mình. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, đây là một đức tính vô cùng đáng ngưỡng mộ cần có của bất kỳ nhà sáng lập nào muốn gây dựng một công ty phát triển bền vững thực sự. Việc giữ mình lối sống kỉ luật và giản dị sẽ giúp họ có thể vượt qua được nhiều cám dỗ về vật chất, để tập trung vào những điều quan trọng hơn cả cho công ty của mình.


Trên đây là một vài dòng chia sẻ quan sát và suy nghĩ của mình về cám dỗ mà các nhà sáng lập có thể gặp phải sau mỗi vòng gọi vốn lớn, khi trong tay có nhiều tiền, và về những điều quan trọng thực sự giúp họ vượt qua được những cám dỗ đó, để tránh những sai phạm cũng như đưa công công ty tiếp tục phát triển. Yeah, cũng giống như Lửa thử vàng, tôi tin rằng việc có nhiều tiền từ sau mỗi vòng gọi vốn sẽ là “bài test” quan trọng gửi đến các nhà sáng lập để duy trì sự phát triển bền vững của startup sau này. Yeah, chúng ta cùng nhau Keep fighting vượt lên mọi cám dỗ thử thách này nhé! P/s: Bài viết này đã được đăng trên Báo Đầu Tư. Xin cám ơn quý báo vì luôn ủng hộ và chia sẻ lại những bài viết của tôi nhé! https://baodautu.vn/de-start-up-khong-bi-lac-loi-khi-cam-nhieu-tien-trong-tay-d190853.html

bottom of page