Giữa quý 4 năm 2022, tôi có nhận lời trả lời phỏng vấn của một tờ báo có tên tuổi ở Việt Nam. Tuy nhiên một thời gian sau đó, tôi mới nhận ra là bài phỏng vấn đó không được đăng chính thức trọn vẹn nội dung trả lời của tôi và để tên tôi, không rõ nguyên nhân vì sao, thay vào đó là để tên một người khác mặc dù có trích dẫn một phần nội dung của tôi. Là một nhà đầu tư khởi nghiệp đã thực tế đầu tư vào startup truyền thông, và bản thân cũng đã viết nội dung chia sẻ một thời gian, tôi luôn cảm thấy vô cùng trân trọng công sức những người vất vả ngồi viết - vì hơn bao giờ hết tôi thấm thía sự vất vả đó như thế nào. Do đó, vì đã cất công soạn ra câu trả lời phỏng vấn rồi, và vì nội dung này cũng có thể ít nhiều hữu ích cho các bạn quan tâm, nên tôi sẽ chia sẻ trọn vẹn câu trả lời phỏng vấn không được đăng này của mình trong bài Daily Catchup hôm nay ở dưới đây nhé!
“Bức tranh toàn cảnh của Startup trong năm 2023”
Nhiều người dự báo thị trường đầu tư vào startup từ nay đến hết năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn, chị nghĩ sao về nhận định này?
Đứng trước tình hình kinh tế vĩ mô trên toàn thế giới còn bất ổn kéo dài, cùng với dự đoán suy thoái, thị trường đầu tư vào startup trong năm tới được dự đoán sẽ càng khó khăn hơn so với năm 2022. Thậm chí trong giới đầu tư còn dự đoán là 2023 mùa đông gọi vốn mới thực sự tới với “cái lạnh” tăng cường và khắc nghiệt hơn. Dòng tiền đầu tư sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ, có thể khiến nhà đầu tư sẽ càng thắt chặt “kỉ luật đầu tư” hơn, do đó, startup sẽ càng mất nhiều thời gian gọi vốn với mức định giá không được cao như kỳ vọng. Tuy nhiên hi vọng tình hình thị trường sẽ chuyển biến tích cực hơn từ nửa cuối năm 2023 trở đi.
Theo chị, nguyên nhân nào dẫn tới việc lượng tiền đầu tư vào Việt Nam kém hơn so với năm 2021?
Có 3 nguyên nhân chính: Lạm Phát, Căng thẳng địa chính trị, Suy thoái kinh tế. Đầu tiên là lạm phát đi cùng với đó là chiến dịch tăng lãi suất, khiến các doanh nghiệp trên thị trường nói chung và các startup nói riêng, rơi vào khó khăn khi không thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ như các năm trước. Bên cạnh đó, là căng thẳng địa chính trị đã và đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng và đình trệ hoạt động thương mại quốc tế. Cuối cùng là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu, khiến các doanh nghiệp đứng trước rủi ro khó có thể duy trì được mức doanh thu và lợi nhuận như trước, khi người tiêu dùng sẽ thắt chặt hầu bao hơn, và do đó, các nhà đầu tư cũng trở bên bi quan và thận trọng với các hoạt động đầu tư mới của mình hơn.
Các startup sẽ phải chuẩn bị hướng đi ra sao trước một thị trường đầy khó khăn vì suy thoái kinh tế có nguy cơ kéo dài như vậy?
Startup cần phải ưu tiên tối ưu chi phí, tập trung vào lợi nhuận để đảm bảo có đủ dòng tiền hoạt động trong ít nhất 2 năm tới, mà không cần phải phụ thuộc vào gọi vốn. Đây cũng chính là giai đoạn “lửa thử vàng” - thử thách bản lĩnh của startup trong việc linh hoạt điều chỉnh sản phẩm và mô hình kinh doanh, kỷ luật trong vận hành tổ chức để thích ứng với hoàn cảnh khó khăn này.
Ngoài ra, để gọi thêm vốn từ quỹ và các nhà đầu tư, startup phải đáp ứng những tiêu chí gì?
Dù trong tình hình khó khăn như hiện nay, cũng như ngày càng tăng cường trong năm sắp tới, nếu các startup vẫn cho thấy sự phát triển, có sản phẩm phù hợp với thị trường thông qua đạt được PMF (Product -Market- Fit), với đơn vị kinh tế dương (Positive Unit Economic) đưa công ty đạt được trạng thái có lãi, tôi tin rằng vẫn sẽ có thể thu hút được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Ngành nào là ngành có tiềm năng và khả thi nhất để gọi vốn trong thời gian tới?
Trong bối cảnh khó khăn chung sắp tới, thì những dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống như thực phẩm, y tế, giáo dục, nhà ở, cơ hội việc làm,.. . sẽ ít bị ảnh hướng nhất do luôn có nhu cầu luôn cao.
Đối với những startup không phải thuộc ngành hot thì họ cần thay đổi gì?
Với những startup ở trong lĩnh vực “ít thiết yếu” như du lịch, làm đẹp, hàng xa xỉ, nhà hàng khách sạn,… được dự báo là bị tác động nhiều trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế. Do đó, đòi hỏi startup sẽ cần luôn phải tập trung vào tối ưu chi phí, tập trung vào việc giữ chân khách hàng trung thành tiềm năng nhất bằng việc không ngừng gia tăng giá trị trong sản phẩm và dịch vụ của mình.
Đứng ở vị trí quỹ thì các quỹ cũng phải làm gì để chuẩn bị cho một tương lai nhiều khó khăn?
Đầu tiên, quỹ đầu tư chúng tôi sẽ dành thời gian nhiều hơn để đồng hành hỗ trợ cùng vượt khó với các startup mà quỹ đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư của chúng tôi sẽ không để bị chi phối bởi bối cảnh mang chu kỳ kinh tế này, mà luôn tập trung vào tầm nhìn đầu tư dài hạn, sẽ tiếp tục tìm kiếm các startup tiềm năng với sản phẩm dịch vụ thiết yếu, tạo ra nhiều tác động tích cực cho xã hội, với mô hình phát triển bền vững tại Việt Nam.
Xin cám ơn mọi người đã quan tâm và đọc trọn vẹn câu trả lời phỏng vấn không được đăng này của tôi nhé! Nhờ có trải nghiệm đau đáu đáng nhớ này, khiến tôi lại càng có động lực phải phát triển sức mạnh nội lực của bản thân hơn nữa. Vì tôi tin rằng, chỉ có đi lên từ thực lực, từ sự miệt mài hoạt động đầu tư và sự kiên trì chia sẻ nội dung có giá trị liên quan tới khởi nghiệp, thì một ngày nào đó bản thân những nội dung ý nghĩa của tôi sẽ có đủ sức mạnh lan toả tới mọi người. Yeah, keep fighting!!