Vừa qua, một nhà sáng lập startup quỹ chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, có chia sẻ với tôi về phong cách quản lý startup theo thuyết hỗn loạn (Chaos theory). Nhờ phong cách anh theo đuổi này, đã giúp startup anh vượt qua được giai đoạn dịch khó khăn vừa qua. Câu chuyện chia sẻ của anh khiến tôi có nhiều suy nghĩ. Nhắc đến startup nói chung, chúng ta có thể dễ dàng hình dung ra môi trường của những áp lực deadlines không tưởng, biến những nhiệm vụ không thể thành có thể, những kế hoạch kinh doanh liên tục bị điều chỉnh, đi cùng với lo lắng cạn dòng tiền luôn thường trực. Do đó, có thể nói với startup sẽ chỉ có hai tình trạng tiêu biểu: Hỗn loạn có kiểm soát, và Chỉ đơn giản là Hỗn loạn.
Với các công ty startup ở giai đoạn đầu, thì có lẽ không quá khi nói có tới 90% là sự hỗn loạn và 10% còn lại là sự trật tự. Theo thời gian, công ty phát triển hơn, thì có thể sự hỗn loạn này sẽ dần được kiểm soát sốt hơn về nguồn lực và quy trình làm việc, khi đó tỉ lệ Hỗn loạn/ Trật tự có thể là 60/40 hay 40/60, nhưng sẽ khó đạt được trạng thái 100% theo trật tự, vì sẽ dẫn đến việc mọi thứ thiếu tính linh hoạt khi bị gò bó với hàng loạt các quy trình, từ đó kìm hãm sự đổi mới và phát triển. Điều này cho thấy, sự Hỗn loạn là điều không tránh khỏi, và thậm chí là cần thiết trong mỗi tổ chức. Tuy nhiên, nếu phó mặc cho sự Hỗn loạn hoành hành tự do, lây lan thiếu kiểm soát trong tổ chức thì cũng có thể là yếu tố hại chết startup. Khiến công ty hoạt động thiếu hiệu quả, tạo ra tinh thần mệt mỏi trong tổ chức.
Do đó, các nhà sáng lập thông minh và bản lĩnh thì sẽ chọn cách đầu, đó là Kiểm soát sự Hỗn loạn cần thiết. Dưới đây là 3 nguyên nhân cơ bản ở nhà sáng lập tạo ra sự Hỗn loạn trong tổ chức, và từ đó là những đề xuất kiểm soát sự Hỗn loạn đó một cách có hiệu quả.
Cố gắng làm mọi thứ: Khi công ty ở giai đoạn sớm, các nhà sáng lập chính là Chief Everything Officer - phải làm hầu như mọi thứ ở công ty. Tuy nhiên khi công ty mở rộng hoạt động hơn, với nhiều hoạt động liên quan phức tạp hơn, thì nhà sáng lập cần phải biết uỷ quyền cho đúng người để khiến các công việc được hoàn thành hiệu quả nhất.
Thiếu sự tập trung vào mục tiêu quan trọng: Trong môi trường startup, các nhà sáng lập thường xuyên phải quay cuồng với guồng quay của nhiều sự thay đổi nhanh chóng, với rất nhiều chi tiết phải chú ý xử lý mỗi ngày. Điều này khiến họ có thể bị mất hút khỏi những mục tiêu quan trọng ban đầu của mình. Do đó, đòi hỏi các nhà sáng lập cần luôn giữ vững mục tiêu và đo lường kiểm tra tiến độ mục tiêu thường xuyên nhất, để giữ mình luôn tập trung vào những điều quan trọng nhất cho startup.
Quản lý “Chạy bằng cơm” quá lâu, mà thiếu hệ thống quản lý ra quyết định hiệu quả khi công ty mở rộng hoạt động với nhiều sự phức tạp gia tăng. Dựa trên việc hiểu được bản chất của Thuyết Hỗn loạn là cần tập trung vào tính không ổn định, khó nắm bắt và dự đoán trước được, được đặt trong bối cảnh một tổ chức có nhiều sự phức tạp trong hệ thống thay đổi nhanh. Từ trong hệ thống phức tạp hỗn loạn này, chúng ta thường có thể tìm ra được các patten - mẫu lặp lại cơ bản, có sự liên kết chặt chẽ các dữ kiện với nhau, có các vòng phản hồi (feedback) liên tục trong nội bộ. Từ đây, chúng ta có thể xác định được các xu hướng hành vi, lên các biện pháp tác động tới các hành vi này, bằng các quy tắc hoạt động của tổ chức. Các quy tắc này sẽ là bộ hướng dẫn cơ bản cách mọi người làm việc, phối hợp và đưa quyết định có thể mở rộng được.
Tôi luôn tin rằng, startup như một cơ thể con người chúng ta, sẽ cần cả trí tuệ và cơ bắp trưởng thành, để phát triển mạnh mẽ nhất. Điều này sẽ cần những quá trình khổ luyện trong áp lực. Và sự hỗn loạn cần thiết sẽ tạo ra môi trường khổ luyện lý tưởng cho các công ty startup. Tuy nhiên, như mọi sự tập luyện, đều cần nhịp điệu cân bằng của sự hỗn loạn và trật tự, được kiểm soát theo các tỉ lệ phù hợp theo từng năng lực và giai đoạn phát triển. Hi vọng, thông qua bài viết Daily Blog hôm nay, tôi có thể chia sẻ suy nghĩ này của mình, để gửi gắm đi thông điệp về sự hỗn loạn cần thiết, nhưng quan trọng hơn bao giờ hết là kiểm soát sự hỗn loạn đó một cách hiệu quả theo từng giai đoạn của startup. Keep fighting nhé!