Xin chào các bạn! Vừa qua, tôi có dịp được ngồi với trò chuyện với một nữ lãnh đạo hoạt động trong lực vực tài chính ngân hàng với hơn 30 năm kinh nghiệm bền bỉ. Khi được đặt câu hỏi, chị sẽ chọn phép tính nào trong 4 phép cộng - trừ - nhân - chia, câu trả lời sau đó từ chị đã đặc biệt gây ấn tượng mạnh cho tôi, là phép trừ. Là một người trẻ về tuổi nghề, nếu tôi được hỏi câu hỏi tương tự, có lẽ tôi sẽ trả lời là phép cộng rồi. Tại sao lại có sự thay đổi trong việc chọn các phép tính này? Từ đây, tôi đã dành thời gian chiêm nghiệm sâu sắc về phép cộng và phép trừ, khi đặt góc nhìn phóng rộng hết các lát cắt trên hành trình phát triển các nhân và startup.
Các bạn có thể sẽ tò mò về ý nghĩa đằng sau của phép cộng và phép trừ này? Theo nghĩa bóng, phép cộng chính là sự gia tăng, cộng dồn thêm các thử nghiệm, gia tăng tập mẫu trải nghiệm. Còn phép trừ thì là sự loại bỏ sự không phù hợp, để giữ lại những điều quan trọng nhất để tập trung. Quay lại câu chuyện đầu bài viết, khi được hỏi về lý do vì sao lại chọn phép trừ, người nữ lãnh đạo đó đã chia sẻ rằng phép trừ cũng giống như việc ta gồng gánh hành lý lên núi, việc loại bỏ được những điều không cần thiết tạo gánh nặng trên vai, thay vào đó chỉ tập trung vào những điều quan trọng nhất, thì sẽ giúp ta bền sức đi được đường dài tới mục tiêu hơn. Thực sự đây là câu trả lời không thể hợp lý hơn, nhất là đến từ một người lãnh đạo với hơn 30 năm kinh nghiệm dày dặn kinh nghiệm và trí tuệ này. Nhưng tôi cũng tò mò, nếu là với một người trẻ, vừa mới ra trường vào nghề, chưa có kinh nghiệm, thì các em sẽ nên chọn phép cộng hay phép trừ? Là phép cộng thì các em sẽ “open the door” - mở cánh cửa ra để đón lấy mọi cơ hội, liên tục học thử sai để gia tăng tập mẫu trải nghiệm của mình, hay là phép trừ - sẽ chọn lọc các cơ hội luôn, chỉ tập trung vào những cơ hội mà mình biết là sẽ có kết quả? Có lẽ cũng không quá khó để trả lời đúng câu hỏi này. Bởi vì đơn giản, là một người trẻ mới vào nghề, chưa có đủ kinh nghiệm và quan sát, còn quá nhiều điều mình không biết, thậm chí còn không biết những điều mình không biết là gì, thì làm sao có thể biết để chọn lọc được đúng cơ hội tốt để tập trung? Do đó, tôi tin rằng, bất kì ai khi còn “trẻ” với bất kì hành trình nào của mình, thì sẽ cần không ngừng lăn xả, gia tăng cơ hội học hỏi tích luỹ kinh nghiệm, thử sai nhiều nhất có thể vì lúc này là lúc chi phí sai còn thấp hơn cả. Theo thời gian, khi tập mẫu trải nghiệm ra tăng rồi, chúng ta trở nên “già dặn” hơn, với những thành tựu và bài học có được, đồng thời đã trở nên hiểu biết hơn để biết cái gì tốt, hiệu quả, còn cái gì là không, thì lúc này sẽ không còn là phép cộng nữa, mà cần là phép trừ - giúp sàng lọc ra những điều quan trọng thực sự, để tập trung nguồn lực vào đó, để thúc đẩy sự phát triển tới đỉnh cao, đạt được mục tiêu lớn của mình.
Từ câu chuyện áp dụng phép cộng và phép trừ trong các lát cắt hành trình tuổi đời cũng như tuổi nghề, từ non trẻ tới già dặn, tôi cũng có sự liên tưởng tới chính hành trình của startup - từ giai đoạn sớm (early-stage) tới giai đoạn trưởng thành (maturity stage) nói chung, và startup trước khi đạt được Product Market Fit (PMF) và sau khi đạt được PMF nói riêng. Với startup ở giai đoạn sớm, trên hành trình đi tìm PMF, việc áp dụng tư duy phép cộng sẽ giúp startup luôn cởi mở, chủ động nắm bắt các cơ hội, gia tăng tập mẫu thử nghiệm, liên tục với quy trình Feedback loop của Lean Startup (Build - Measure - Learn) để đẩy nhanh việc học, đúng với tinh thần Fail Fast, Fail Cheap một cách quyết liệt. Trong quá trình thử nghiệm liên tục này, startup sẽ dần dần nhận ra được cái gì “không work”, và cái gì “work” thực sự, đây chính là tiền đề giúp đạt được PMF cho startup. Sau khi nhận ra được điều này, thì tư duy phép trừ sẽ cần được áp dụng một cách kỉ luật và nhất quán. Đó là chọn lọc, tập trung vào những điều “work” quan trọng nhất giúp startup đẩy mạnh tới cùng việc đạt tới mức độ “chín” của PMF. Chính từ chiêm nghiệm về tư duy phép cộng và phép trừ trong quá trình phát triển startup này, mà tôi đã có sự thay đổi trong cách tiếp cận tìm hiểu cơ hội đầu tư vào startup ở giai đoạn sớm đang trên hành trình khám phá đi tìm PMF của mình, thì thay vì đặt câu hỏi phổ biến là “Với số tiền gọi vốn này, startup có thể đạt được doanh thu và lợi nhuận bao nhiêu?”, thì tôi sẽ đặt câu hỏi: “Với số tiền gọi vốn này, ở giai đoạn này, startup có thể thực hiện được bao nhiêu “phép cộng” của thử nghiệm, để có thể tìm thấy PMF? Đó sẽ là những thử nghiệm gì? Và startup xây dựng quy trình tiến hành các thử nghiệm hiệu quả đó ra sao?”
Trên đây là chia sẻ về chiêm nghiệm của tôi, về tư duy phép cộng và phép trừ, từ góc nhìn hành trình phát triển của con người, tới góc nhìn xây dựng phát triển startup. Tôi tin rằng, mỗi cá nhân và tổ chức trong quá trình gia tăng “tuổi đời”, “tuổi nghề”, “sự chín” trong việc đạt được mục tiêu phát triển của mình, cần áp dụng linh hoạt hiệu quả tư duy phép cộng và phép trừ, để có thể tối ưu hoá được tiến trình phát triển bền vững. Trước khi khép lại bài viết hôm nay, tôi xin gửi tặng các bạn hình ảnh dưới đây, hình tượng hoá trừu tượng góc nhìn của 2 phép tính này, kèm theo một câu hỏi: Là bạn, bạn sẽ chọn hình nào lúc này cho mình? Yeah, just keep fighting nhé!