Xin chào các bạn! Trong bối cảnh thị trường vốn dành cho startup tại Việt Nam có nhiều thách thức, tôi luôn đau đáu suy nghĩ cùng với các nhà sáng lập startup của quỹ đầu tư chúng tôi đồng hành, là làm sao có thể đa dạng hoá được các hình thức huy động vốn một cách ý nghĩa nhất, hỗ trợ đắc lực cho startup phát triển hơn nữa. Sau hơn 2 tháng kiên trì đi tìm kiếm câu trả lời, cuối cùng, vừa qua chúng tôi đã chính thức tiến hành ký kết hợp tác chiến lược giữa ngân hàng OCB và Genesia Ventures tại Việt Nam. Để đánh dấu cho cột mốc quan trọng này, tôi xin phép được chia sẻ một vài dòng suy nghĩ của mình trong bài blog ngày hôm nay nhé!
Khi nhắc tới hình thức huy động vốn dành cho startup, có lẽ mọi người sẽ thường nghĩ tới hình thức huy động vốn chủ sở hữu thông qua chào bán cổ phần - Equity Funding, cho các quỹ đầu tư VC, PE, các nhà đầu tư thiên thần, cùng với hình thức vốn vay mạo hiểm - Venture Debt. Trong khi đó, hình thức vay vốn ngân hàng dành cho startup thì ít được nhắc tới hơn cả. Theo thống kê của VCCI, chỉ khoảng 30% doanh nghiệp Startup tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng. Lý do chính nằm ở những rủi ro tiềm ẩn khi cho startup vay, do hầu hết các công ty không có tài sản đảm bảo cũng như chưa có lợi nhuận tích cực, khiến các ngân hàng tới nay không thực sự mặn mà, muốn “mạo hiểm” cho vay startup. Có chăng thì cũng sẽ là các startup ở giai đoạn sau, khi đã mở rộng quy mô kinh doanh, có doanh thu và giao dịch dòng tiền vừa đủ lớn rồi, cùng với có áp lực lớn dòng vốn để tăng trưởng, startup mới bắt đầu đi tìm cách tiếp cận với ngân hàng. Điều này khiến tôi trăn trở với câu hỏi rằng, liệu có cơ hội nào cho các công ty startup ở giai đoạn sớm hơn, có thể bắt đầu xây dựng mối quan hệ ý nghĩa với ngân hàng, mà không phụ thuộc vào phương thức cho vay truyền thống không?
Có lẽ đọc tới đây, mọi người sẽ tò mò muốn hỏi, tại sao startup ở giai đoạn sớm lại “từ Cần tới Nên” tiếp cận khoản vay từ ngân hàng? Đầu tiên, trong bối cảnh khan hiếm dòng tiền từ các kênh huy động vốn thường thấy cho startup là Equity Funding và Ventures Debts, thì đây cũng nên được coi là kênh huy động vốn thay thế mà startup cần hiện nay. Điểm chung ở các kênh huy động vốn này là…đều khó cho startup, nếu không muốn nói là tiếp cận khoản vay vốn từ ngân hàng dành cho startup lại còn khó hơn cả, khi startup cần phải vượt qua điều kiện nghiêm ngặt kiểm tra về độ uy tín từ nhà sáng lập, thành viên góp vốn chính, thành viên ban điều hành, tới khách hàng của startup. Bên cạnh đó, là startup cần phải duy trì kỉ luật trong việc quản lý tài chính, quản trị minh bạch dòng tiền, tạo ra doanh thu có ý nghĩa để đáp ứng được điều kiện từ phía ngân hàng. Thật ra đây đều là những tiền đề, là nền tảng vô cùng quan trọng để bất kì một doanh nghiệp nào muốn phát triển bền vững. Vì vậy mà cũng có thể nói, một khi startup có thể đáp ứng được các yêu cầu vay vốn của ngân hàng, thì sẽ là “điểm tựa” quan trọng giúp 2 phương thức huy động vốn còn lại có thể trở nên “dễ thở” hơn với các nhà sáng lập. Do đó, dù đây là kênh huy động vốn tuy có rất nhiều thách thức, thậm chí là không tưởng trong suy nghĩ của nhiều người, nhưng tôi tin rằng các startup nên thử thách để vượt qua.
Như mọi bài toán “con gà - quả trứng” mà startup ở giai đoạn sớm cần phải vượt qua, để tiếp cận được với ngân hàng và có được khoản vay đầu tiên là vô cùng khó khăn, vì startup cần phải vượt qua những điều kiện vô cùng nghiêm ngặt. Đặc biệt với cách tiếp cận truyền thống, startup còn cần phải có tài sản đảm bảo, có lợi nhuận tích cực. Điều này, khiến tôi cùng với các nhà sáng lập startup quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, tập trung ưu tiên đi tìm đối tác ngân hàng có tư duy đột phá, thay đổi cách tiếp cận và điểm nhìn với các startup. Cụ thể, thay vì tập trung điểm nhìn vào tài sản đảm bảo, lợi nhuận hiện tại đang có của startup, ngân hàng sẽ tập trung nhìn vào dòng tiền được tạo ra, cùng với tiềm năng phát triển trong tương lai của doanh nghiệp đó. May mắn cho chúng tôi là, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm và kiên trì thảo luận, chúng tôi đã tìm thấy được một ngân hàng có tư duy “think out of the box” như vậy. Đó là ngân hàng OCB.
Thật vậy, vừa qua OCB và Genesia Ventures đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược nhằm hỗ trợ tài chính cho các công ty startup mà quỹ đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, Genesia Ventures chúng tôi sẽ giới thiệu các doanh nghiệp khởi nghiệp trong danh mục đầu tư của mình tại Việt Nam cho ngân hàng OCB. Từ đó, OCB sẽ tiến hành thẩm định, ưu tiên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính linh hoạt, tiên tiến & phù hợp với nhu cầu của các startup, giúp các doanh nghiệp này dễ dàng tiếp cận nguồn lực tài chính cần thiết trong quá trình phát triển. Cụ thể, đó có thể là những khoản vay tài chính giúp tối ưu chu kỳ vốn lưu động (working capital) trong ngắn hạn, là khoản vay giúp tối ưu chi phí vốn (cost of capital), là khoản vay thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng chuỗi cung ứng phục vụ hoạt động phát triển kinh doanh bền vững của startup trong tầm nhìn trung và dài hạn. Không dừng lại ở đó, theo chia sẻ từ anh Lê Đăng Khoa - Giám đốc Khối SME tại ngân hàng OCB tại buổi lễ ký kết, OCB còn tập trung cung cấp giải pháp tài chính toàn diện, đồng hành “trọn một hành trình cùng doanh nghiệp”, từ việc hỗ trợ các khoản vay đến tư vấn các giải pháp giúp startup tối ưu hiệu quả quản trị dòng tiền, tiết giảm chi phí, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư phát triển kinh doanh. OCB sẽ đồng hành, hỗ trợ các startup từ giai đoạn đầu hoạt động đến khi trở thành những doanh nghiệp lớn.
Tôi tin rằng, sự hợp tác chiến lược này là chưa từng có tiền lệ, khi đặt trong bối cảnh các startup nói chung vẫn đang gặp nhiều thách thức khi tiếp cận ngân hàng một cách truyền thống tại Việt Nam. Do đó, sự kiện ký kết hợp tác chiến lược này đã cho thấy niềm tin và quyết tâm rất lớn giữa ngân hàng OCB và Genesia Ventures, trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của startup quỹ đầu tư đồng hành nói riêng, cũng như lan toả tinh thần “Keep fighting” cho sự phát triển hệ sinh thái startup tại Việt Nam nói chung. Tôi có niềm tin mạnh mẽ rằng, từng bước hiện thực hoá được hợp tác này sẽ khẳng định vị trí tiên phong của ngân hàng OCB cũng như Quỹ đầu tư Genesia Ventures trong việc mở ra cánh cửa hợp tác win-win cùng thắng vô cùng ý nghĩa giữa các startup và các ngân hàng tại Việt Nam.
Quỹ Genesia Ventures chúng tôi rất vui khi trở thành “chất xúc tác” ý nghĩa giúp startup giai đoạn sớm, phần nào giải quyết được bài toán “con gà - quả trứng” ban đầu này, giúp startup có thể tiếp cận được với đúng đối tác ngân hàng, với tư duy cởi mở, đổi mới. Chúng tôi hi vọng từ đây, các startup quỹ chúng tôi đầu tư đồng hành, có thể từng bước xây dựng mối quan hệ tín dụng một cách tích cực với ngân hàng, bắt đầu bằng những khoản vay ý nghĩa từ OCB. Xin cám ơn các nhà sáng lập luôn đồng hành ủng hộ, là động lực rất lớn cho tôi lăn xả tìm kiếm những cơ hội ý nghĩa hỗ trợ cho sự phát triển của các startup. Đặc biệt, xin cám ơn đội ngũ OCB đã tin tưởng, quyết liệt tiên phong mở ra cánh cửa hợp tác vô cùng ý nghĩa này cho các startup quỹ Genesia Ventures chúng tôi đầu tư tại Việt Nam. Yeah, chúng ta cùng “Keep fighting” cho sự phát triển bền vững của startup nhé!