Nhân ngày cuối tuần nghỉ ngơi phục hồi lại sau chuyến công tác đường dài vừa qua, tôi đã dành thời gian tìm hiểu về việc nghỉ ngơi một cách khoa học để giúp tối ưu phong độ trong công việc của mình. Với mội người luôn “Keep fighting” như tôi, thực sự đã may mắn khi đúng lúc gặp được anh Nguyễn Quốc Toàn - đồng sáng lập & CEO của Tổ chức Giáo dục EQuest - một người mà trong hơn thập kỷ chạy bền với khởi nghiệp, ít khi bị burnout - hiệu ứng cháy sạch. Tôi đã được anh tặng cuốn sách yêu thích của anh - Peak Performance - trong chuyến tới thăm cơ sở trường học của anh, sau khi EQuest công bố huy động được 120 triệu USD gần đây. Tôi xin phép được chia sẻ một vài bí quyết của anh trong bài Daily Blog ngày hôm nay nhé!
Tôi đã từng viết về Founder Burnout: Cuộc chiến tinh thần của các nhà sáng lập startup hơn một năm về trước, khi luôn đau đáu tìm cách làm hiệu quả để cùng các nhà sáng lập của mình vượt qua được Burnout. Luôn được đặt trong guồng làm việc gấp gáp, nhiều áp lực và căng thẳng cao độ, các nhà sáng lập có nhận thấy mình, hay rơi vào trạng thái kiệt sức, và nghỉ ngơi một cách ngẫu hứng, thiếu chiến lược, ảnh hưởng tới việc tối ưu phong độ làm việc của mình không? Tôi cũng đã từng như vậy. Trước khi thảo luận trực tiếp với nhà sáng lập Nguyễn Quốc Toàn về bí quyết riêng của anh để không bị Burnout, tôi có dành thời gian đọc cuốn sách Peak Performance anh tặng, để tìm thấy cho mình 5 thông tin nền quan trọng dưới đây, làm tiền đề để hiểu sâu sắc hơn chiến lược của anh.
Sự mệt mỏi khi thực hiện công việc thứ nhất có thể ảnh hưởng tới công việc thứ hai, cho dù cả hai công việc không liên quan gì tới nhau. Cảm giác kiệt quệ có thể khiến chúng ta đầu hàng trước bài toán khó, hoặc thậm chí là bỏ cuộc sớm.
Công thức: Pain (Stress) + Rest = Growth
Não bộ cũng tương tự như cơ thể con người, bằng cách gây áp lực và nghỉ ngơi hợp lý, não bộ sẽ trở nên khoẻ mạnh hơn.
Sắp xếp ngày nghỉ một cách có chiến lược sau mỗi giai đoạn làm việc với áp lực chồng chất. Xen kẽ giữa chu kỳ căng thẳng và nghỉ ngơi trong những mục tiêu quan trọng nhất của bạn. Chèn những khoảng nghỉ ngắn trong suốt quá trình làm việc của bạn trong ngày.
Lên kế hoạch trước cho các giai đoạn hồi phục sau những đợt làm việc cường độ cao. Xác định khi nào công việc của bạn bắt đầu gặp khó khăn. Khi bạn tìm thấy điểm đó, hãy chèn một quãng nghỉ ngay trước điểm đó.
Dựa trên những thông tin nền này, anh Toàn đã thẳng thắn chia sẻ với tôi về một nguyên lý cơ bản rằng, càng căng thẳng thì càng phải nghỉ ngơi nhiều. Đọc tới đây chắc hẳn các bạn cũng giống tôi có chung thắc mắc, vậy với một nhà sáng lập startup luôn luôn bận bịu, đối mặt với căng thẳng cao độ thì lấy đâu ra một ít thời gian, chưa nói tới nhiều thời gian tương xứng để nghỉ ngơi? Bí quyết của anh là: Intermittent rest - Nghỉ ngắt quãng. Dựa trên nguyên lý, công việc lớn có thể chia nhỏ ra để thực hiện, thì việc nghỉ ngơi cũng vậy. Cụ thể anh chia sẻ rằng, anh tranh thủ nghỉ ngơi bất cứ lúc nào. Kỹ năng quan trọng anh gợi ý cho chúng ta là có thể học cách ngủ ngắn từ 3~5 phút trên taxi, trong lúc chờ đợi ai đó hoặc tận dụng các quãng nghỉ ngắn trước và giữa buổi họp,… Nhà sáng lập này còn chia sẻ, anh có một nguyên tắc không để mình bị Burnout - bằng việc không để “No dồn - Đói góp”, với việc nghỉ ngơi theo kiểu dành quá nhiều thời gian để nghỉ bù sau những ngày kiệt sức cháy sạch. Vì để tới mức đó, thì cả sức khoẻ và tinh thần đều thực sự rất khó hồi phục. Giống như hiện tượng sạc pin vậy. Nếu để hết pin quá lâu rồi mới sạc bù lại trong một khoảng thời gian dài, sẽ khiến pin dễ bị chai, khó có thể duy trì hiệu suất của pin được.
Trên đây là một vài chia sẻ của tôi về bí quyết nhà sáng lập EQuest ít khi để mình bị Burnout. Với một người luôn luôn cổ vũ các nhà sáng lập và chính bản thân mình là “Keep fighting!” mỗi ngày, hơn bao giờ hết tôi tin rằng, để làm được vậy, chúng ta cũng cần phải có chiến lược nghỉ ngơi và quản lý năng lượng một cách hiệu quả để đảm bảo chúng ta luôn có thể tối ưu được phong độ chiến đấu của mình! Yeah, chúng ta cùng keep fighting vì điều này nhé!