top of page

Milestones: Những điều quan trọng về thiết lập các “Cột mốc” cho startup

Đầu năm là dịp quan trọng giúp cá nhân mỗi chúng ta chiêm nghiệm về những điều đã qua và lên những mục tiêu và kế hoạch cho năm mới tới. Còn với startup, đây cũng là dịp ý nghĩa giúp nhà sáng lập nhìn lại một hành trình với nhiều cột mốc đã đi qua và sắp tới đi đến. Chắc hẳn với các nhà sáng lập startup, không còn xa lạ với các câu hỏi thường được nhận từ các nhà đầu tư, ví dụ như “Milestones trong 6 tháng tới, hay 12 tháng tới của startup bạn là gì?”. Tuy nhiên, dựa theo quan sát từ góc nhìn của nhà đầu tư khởi nghiệp khi tiếp xúc với nhiều nhà sáng lập, tôi nhận thấy thường có sự chưa rõ ràng giữa “Milestone” và “Goal” của startup. Do đó, nhân dịp đầu năm mới, tôi xin được chia sẻ một chút xíu góc nhìn của mình về khái niệm và cách xây dựng các “Cột mốc” quan trọng cho startup, thông qua bài blog Daily Catchup trong ngày đặc biệt này nhé!


Milestone, trực dịch ra tiếng Việt chính là Cột mốc, là sự kiện hay giai đoạn quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn trong quá trình phát triển, hướng tới mục tiêu, đích đến cuối cùng của startup. Việc xác định các Cột mốc quan trọng cho startup sẽ giúp các nhà sáng lập và đội ngũ của mình tập trung vào đúng mục tiêu trong từng giai đoạn của startup. Bên cạnh đó, từ góc nhìn của các cổ đông startup, thì việc hiểu rõ những Cột mốc quan trọng cần hướng đến của startup mình đồng hành, sẽ giúp họ đưa ra đúng sự quan tâm, với đúng sự hỗ trợ vào đúng thời điểm của startup. Còn với góc nhìn của nhà đầu tư mới đang cân nhắc cơ hội đầu tư vào một startup nào đó, việc hiểu được những Cột mốc đã và đang hướng tới của startup, sẽ giúp họ hiểu và đánh giá tốt hơn cả về rủi ro và tiềm năng của startup, khi ra quyết định đầu tư của mình. Do đó, các nhà sáng lập startup khi cân nhắc gọi vốn thường sẽ chọn ra 2 thời điểm quan trọng để tiếp cận nhà đầu tư mới tiềm năng. Đó là, ngay trước hoặc ngay sau khi startup kết thúc một Cột mốc quan trọng của mình.


Vậy đâu thường được coi là những cột mốc quan trọng, tạo ra bước ngoặt cho sự phát triển của startup? Dưới đây, là 6 gợi ý tới các nhà sáng lập giúp tìm ra được cột mốc của startup mình:


  1. Khi startup có thể cho thấy được năng lực xây dựng được đội ngũ mạnh hơn, sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới. Ví dụ, khi startup chào đón đồng sáng lập mới ở giai đoạn Seed - hạt giống, hay tuyển được lãnh đạo cấp cao như COO, CFO, CMO lần lượt ở các giai đoạn sau đó.

  2. Khi startup có thể cho thấy được năng lực xây dựng sản phẩm của mình: Từ launch sản phẩm phiên bản Beta (phiên bản chưa hoàn chỉnh), tới launch sản phẩm chính thức, rồi là sau đó upgrade sản phẩm theo từng phiên bản cải tiến. Từ đây, startup có thể có thấy sản phẩm ban đầu được thị trường đón nhận. Ví dụ khi startup có người dùng đăng ký đầu tiên, khi startup chứng minh sản phẩm có thể bán được khi có khách hàng trả tiền đầu tiên.

  3. Khi startup cho thấy được tiềm năng và sự thu hút của mình, khi có được lời đề nghị đầu tư hay gọi xong vốn cho các vòng đầu tư mới từ các nhà đầu tư bên ngoài.

  4. Khi startup có thể đạt được PMF - Sản phẩm phù hợp với thị trường, với những traction thuyết phục như số lượng người dùng thường xuyên, khách hàng trả tiền, khách hàng quay trở lại liên tục gia tăng, đi kèm với chi phí thu hút khách hàng giảm, Unit Economic - tính đơn vị kinh tế liên tục được cải thiện tích cực, với những chỉ số - Metrics cụ thể.

  5. Khi startup có thể cho thấy khả năng mở rộng lớn, với người dùng từ 100,000 tới 1 triệu, rồi tới 5 triệu người dùng. Với doanh thu hàng năm đạt được từ 500K USD, tới 1 triệu, 5 triệu, rồi tới 10 triệu USD.

  6. Đặc biệt, khi startup có thể cho thấy khả năng đạt được điểm hoà vốn, có lãi. Đây có lẽ là cột mốc quan trọng nhất mà tôi thường xuyên tìm thấy và được nghe từ các startup trong giai đoạn “mùa đông gọi vốn” như hiện nay.


Để xác định được những cột mốc cụ thể và ý nghĩa cho startup của mình, các nhà sáng lập có thể tham khảo phương pháp Backcasting. Cụ thể, đầu tiên là xuất phát từ mục tiêu cuối cùng của startup, về điều quan trọng nhất mà startup muốn đạt được trong tầm nhìn dài hạn. Sau đó, cần đi ngược lại từ mục tiêu cuối cùng đó, theo hiệu ứng Domino, để tìm ra các mục tiêu bổ trợ, theo thứ tự, là các cột mốc cần phải đi qua của startup để tới mục tiêu cuối cùng đó. Việc này đòi hỏi các cột mốc cần phải đo và đếm được một cách rõ ràng cụ thể. Và các cột mốc cũng sẽ thay đổi, cần được điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn phát triển của startup.


Hi vọng, trên đây là những chia sẻ, lời gợi ý nho nhỏ của tôi gửi tới các nhà sáng lập startup trong việc thiết lập và xác định những Cột mốc quan trọng cần đi qua cho các startup của mình. Để từ đây, các nhà sáng lập cùng đội ngũ của mình, có thể tập trung hiệu quả vào việc đạt được từng mục tiêu và chiến thắng nhỏ để đi tới từng Cột mốc tiếp theo trên hành trình của mình. Và chính những Cột mốc này, cũng sẽ giúp nhà sáng lập lên kế hoạch gọi vốn hiệu quả hơn, với số tiền, nguồn lực, và thời gian cần thiết, rồi từ đó là giao tiếp hiệu quả hơn với các nhà đầu tư giúp họ hiểu rõ hơn về những cơ hội hướng đến của startup mình. Thông qua bài viết này, nhân dịp ngày đầu năm mới, tôi xin được gửi lời chúc tới các nhà sáng lập startup, hi vọng mọi người sẽ đạt được những Cột mốc quan trọng của startup mình trong năm mới này nhé! Yeah, just keep fighting!!!

bottom of page