Là con người ai cũng có những nỗi sợ. VC - nhà đầu tư mạo hiểm, tuy họ không sợ mạo hiểm, nhưng họ cũng là con người, nên đương nhiên họ cũng có những nỗi sợ trong nghề của mình. Tôi có dịp đọc bài viết khá thú vị trên NfX chia sẻ về cách VC hoạt động và 2 “nỗi sợ” của họ, đây là động lực tâm lý khiến VC ra quyết định đầu tư vào startup. Cụ thể đó là, FOMO - Fear of Missing Out (Sợ bị bỏ lỡ) và FOLS - Fear of Looking Stupid (Sợ bị nhìn là ngu ngốc). Ngoài ra, bằng trải nghiệm của riêng mình, tôi nhận ra thật ra VC chúng tôi còn một “nỗi sợ” nữa, đó là, FODS - Fear of Disappointing Stakeholders (Sợ khiến các bên liên quan thất vọng). Những nỗi sợ này chính là động lực để VC cố gắng chăm chỉ, làm việc hiệu suất mang lại kết quả tốt hơn. Do đó, tôi muốn thông qua bài viết này, để chia sẻ tới các nhà sáng lập startup cụ thể hơn về những nỗi sợ này, để từ đó có thể hiểu rõ tâm lý hành vi suy nghĩ của VC, để áp dụng một cách hiệu quả khéo léo khi làm việc với VC nhé!
Đầu tiên là FOMO - Fear of Missing Out (Sợ bị bỏ lỡ). Là nhà đầu tư, ai cũng có mong muốn tăng xác suất và tỉ suất đầu tư cao hơn. VC cũng vậy. Bên cạnh những triết lí và tầm nhìn đầu tư ý nghĩa của VC, họ cũng là nhà đầu tư tài chính với mong muốn đạt được lợi nhuận đầu tư cao. Như các bạn cũng biết, vốn dĩ cái tên của nghề này nói lên tất cả, là đầu tư mạo hiểm - đầu tư vào các công ty startup mặc định với rủi ro cao. Do đó, nếu VC gặp được bất kỳ startup nào, có đủ tiềm năng theo đúng tiêu chí đầu tư (Thị trường - Đội ngũ - Sản phẩm hấp dẫn) có thể giúp họ gia tăng xác suất đầu tư thành công hơn, thì họ rất khó “bỏ lỡ” cơ hội đầu tư này. Đặc biệt, nếu họ nhìn thấy một startup nào mà cũng đang thu hút được nhiều quỹ đầu tư VC khác cùng tham gia đầu tư, thì họ sẽ có xu hướng đặc biệt chú ý hơn để cân nhắc, để tránh bỏ lỡ cơ hội đầu tư này. Do đó, hiểu được “nỗi nợ” tâm lý mang tên FOMO này, các nhà sáng lập startup có thể “tận dụng” một cách hiệu quả trong việc giao tiếp với VC. Ví dụ, các nhà sáng lập có thể chia sẻ tới các nhà đầu tư tiềm năng mới, về các nhà đầu tư đã tham gia, đang cân nhắc đầu tư tích cực vào startup của mình. Tuy nhiên, mọi thông tin cần phải chính xác, không thể để việc cố tình tạo “FOMO ảo” của nhà sáng lập phải trả giá bằng chính uy tín của mình trước VC. Là VC có sự kỷ luật cao trong đầu tư, chúng tôi rất tỉnh với các chiêu tạo “FOMO ảo”.
Thứ hai là FOLS - Fear of Looking Stupid (Sợ bị nhìn là ngu ngốc). Tác giả trong bài viết ở NfX đề cập tới việc VC sẽ không muốn mình ngu ngốc đầu tư vào startup mà ở trong một thị trường đã xuất hiện đối thủ của startup này gọi được vốn nhiều trước đó từ các quỹ hàng đầu rồi. Ví dụ như, VC sẽ khó có thể đầu tư vào startup nào đó là đối thủ trực tiếp của Uber khi Uber đã gọi được 5 tỉ USD trước đó rồi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi còn có góc nhìn khác về “nỗi sợ” bị nhìn là ngu ngốc của VC này. Trong bài blog trước đó về Sức mạnh của đặt những câu hỏi đúng, tôi có chia sẻ về nghề VC là một trong những nghề khi nói chuyện với đối phương, thường khiến người làm nghề dễ tự ti nhất về sự kém hiểu biết của mình. Ở đó, các nhà đầu tư mạo hiểm như chúng tôi, thường xuyên phải tương tác nói chuyện nhiều nhất với các nhà sáng lập, những người trong ban giám đốc và cấp quản lý trong công ty. Vì đơn giản, họ đều là những người giỏi, bản lĩnh, có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó - mà đó lại chắc hẳn không phải là chuyên môn sâu của hầu hết các nhà đầu tư. Nên khi nói chuyện với các những đội ngũ lãnh đạo của những công ty đó, những nhà đầu tư như chúng tôi, thường dễ gặp phải áp lực. Áp lực là “nỗi sợ” mình kém cỏi không đủ hiểu biết và kinh nghiệm bằng họ. Do đó, tôi luôn nhắc nhở bản thân mình, cần phải lắng nghe sâu hơn, phải liên tục duy trì trí tò mò không giới hạn của mình, không vội đưa nhận định khi không hiểu rõ, thay vào đó tập trung ưu tiên đặt ra những câu hỏi hay đúng lúc, để giúp cả mình và các nhà sáng lập startup gia tăng được nhiều nhất giá trị từ mỗi buổi nói chuyện.
Cuối cùng là FODS - Fear of Disappointing Stakeholders (Sợ khiến các bên liên quan thất vọng). Đây chính là đỉnh cao “nỗi sợ” của VC. Họ không sợ mạo hiểm, không sợ hết tiền, đặc biệt có thể không sợ FOMO và FOLS bằng FODS - sợ khiến các bên liên quan thất vọng về mình. Cụ thể, các bên liên quan chính là các nhà sáng lập startup họ đầu tư, LP (Limited Partner) - đối tác đầu tư vào các quỹ đầu tư, và GP (General Partner) - người chịu trách nghiệm gọi vốn về cho quỹ và là người ra quyết định quan trọng cuối cùng tại quỹ. Đặc biệt VC sợ nhất là khiến các nhá sáng lập startup họ đầu tư vào thất vọng về mình. Đó có thể là VC đã không tích cực tham gia giúp đỡ, đóng góp giá trị cho startup như kỳ vọng. Hặc đơn giản là VC đã không nhiệt tình, nhanh chóng xử lý các thủ tục liên quan tới startup.
Gần đây tôi có trải nghiệm đáng nhớ với nỗi sợ FODS này. Đó là dù trong kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, dù ngay trong bữa cơm trưa, một khi nhà sáng lập startup tôi đầu tư cần đến, nhắn tin “doạ” tôi là VC cuối cùng chưa gửi comment review tài liệu hợp đồng 160 trang tiếng Anh, được gửi trước đó 22 tiếng đồng hồ. Thế là, tôi - người mang trong mình “nỗi sợ” FODS này, đương nhiên, đã bỏ bữa trưa này, ngay lập tức đi vào trạng thái làm việc tập trung cao độ, trong đúng 2 tiếng còn lại, theo đúng yêu cầu của nhà sáng lập, tôi đã hoàn thành review và comment nhiệt tình chi tiết cho từng nhà sáng lập startup này.
Thế đó, ai bảo là mang trong mình nỗi sợ là không tốt chứ? Có những “nỗi sợ" tích cực khiến chúng ta tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn rất nhiều. Cám ơn các nhà sáng lập startup tôi có may mắn được làm việc cùng này nhé, người biết cách “khéo léo” tạo tạo ra những “nỗi sợ” tích cực cho tôi, khiến tôi trở nên tốt hơn mỗi ngày, luôn cố gắng làm việc chăm chỉ, có kỉ luật và có trách nghiệm. Yeah, just keep fighting!!!