Xin chào các bạn! Là nhà đầu tư khởi nghiệp, có một câu hỏi tôi thường xuyên được hỏi, đồng thời bản thân tôi cũng luôn tránh trả lời câu hỏi đó một cách trực diện nhất. Đó là câu hỏi: “Xu hướng và lĩnh vực nào được quan tâm nhất để đầu tư startup trong năm nay?”. Thật ra, đây cũng là một câu hỏi quan trọng với bất kì một nhà đầu tư khởi nghiệp nào. Và câu hỏi này cũng không hề dễ trả lời một cách có chiều sâu. Do đó, tôi xin phép được chia sẻ suy nghĩ của mình trước câu hỏi này, là những chiêm nghiệm đúc rút trên hành trình đầu tư và đồng hành với startup từ trước tới nay, trong bài viết ngày hôm nay nhé!
Trong hành trình làm nghề đầu tư VC tới nay của mình, tôi được trải qua nhiều thăng trầm, khúc cua của nhiều xu hướng của thị trường, với các trend cũ đi, trend mới tới. Từ đây, tôi nhận được ra rằng, vốn dĩ đầu tư vào startup sẽ cần một tầm nhìn dài hạn hơn các xu hướng hiện thời của thị trường rất nhiều. Hơn nữa, là quỹ VC tập trung đầu tư vào startup ở giai đoạn sớm, chúng tôi thường tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các công ty startup hạt giống khi mới chỉ bắt đầu với đội ngũ sáng lập nòng cốt, ý tưởng mô hình kinh doanh và với sản phẩm sơ khởi (MVP)ban đầu của mình. Khi đó, mọi thứ mới chỉ là bắt đầu, sau đó startup sẽ phải trải quá trình cất cánh dò đường tới PMF với rất nhiều thử nghiệm. Trong quá trình thử nghiệm đó, để tìm ra cái nào hiệu quả phù hợp, cái nào thì không, startup sẽ liên tục có những điều chỉnh từ nhỏ tới lớn, kể cả phải điều chỉnh mô hình kinh doanh (pivot), sản phẩm, thậm chị cả thị trường mục tiêu của mình. Do đó, chúng ta cũng không có gì phải quá ngạc nhiên, khi sau một thời gian ngắn gặp lại startup thấy công ty đã có nhiều bước tiến, thay đổi rất nhiều so với những ngày đầu tiên bạn gặp. Một khi đã nhận thức được “quá trình tiến hoá tất yếu” đó của startup, thì tôi tin rằng chúng ta sẽ tỉnh táo hơn trước việc đầu tư theo xu hướng và lĩnh vực hot, vì nếu đầu tư theo trend thì khi trend đó không còn nữa thì sao? Trend đến rồi sẽ đi, cái gì là còn lại cuối cùng? Đâu là sẽ giá trị thực sự mà thị trường cần? Tôi tin đây là những câu hỏi quan trọng hơn cả mà chúng ta cần phải tự tìm câu trả lời cho mình.
Tôi luôn có một nguyên tắc khi lựa chọn lĩnh vực và thị trường để đầu tư startup tại Việt Nam. Như tôi đã từng chia sẻ trong bài blog “Tại sao startup biết làm chủ nguồn Cung lại đặc biệt thu hút tôi?” trước đây của mình, tôi đặc biệt ưa thích đầu tư vào startup giải quyết một bài toán có chiều sâu trong thị trường mà ở đó, Cầu phải mạnh và lớn, thậm chí có thể vượt quá Cung. Đặc biệt, trong một thị trường có cấu trúc “Cầu tăng - khan hiếm Cung”, mà startup có thể làm chủ nguồn Cung lại trở nên vô cùng hấp dẫn với tôi. Vì khi đó, việc startup chỉ cần tập trung làm thật tốt đó là không ngừng sáng tạo để tạo ra thêm Cung, từ đó là phân phối nó tới Cầu - khách hàng của mình một cách hiệu quả. Và để làm được như vậy một cách bền vững , đội ngũ startup cần phải có 2 năng lực chiến lược: Năng lực làm chủ, sáng tạo gia tăng nguồn Cung cả về chất và lượng; Năng lực kiểm soát, thậm chí là thiết kế lại chuỗi cung ứng, giúp phân phối hiệu quả tới đúng Cầu một cách hiệu quả hơn. Do đó, tôi tin rằng, câu hỏi quan trọng hơn cả ở đây nên là: Lĩnh vực nào có cấu trúc thị trường Cung - Cầu đặc trưng của “Cầu tăng - khan hiếm Cung” trong tầm nhìn dài hạn, đang/đáng được quan tâm đầu tư hiện nay?
Quay trở lại khoảng 2~3 năm về trước, khi chúng ta vẫn đang phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội, tôi tin chắc rằng lĩnh vực lưu trú sẽ không thể nào là câu trả lời cho câu hỏi đâu là xu hướng và lĩnh vực đầu tư được quan tâm nhất khi đó. Tuy nhiên, không vì đó mà quỹ đầu tư Genesia Ventures từ chối cơ hội đầu tư vào MVillage từ giai đoạn hạt giống. Có thể nói mảng dịch vụ lưu trú tại Việt Nam, mang cấu trúc thị trường đặc trưng của “Cầu tăng - khan hiếm Cung” kéo dài trong suốt quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam. Cụ thể, dịch vụ lưu trú từ ngắn hạn tới dài hạn được đặt trong bối cảnh quỹ đất ngày càng trở nên khan hiếm và và nguồn cung dành cho lưu trú chưa được phân bổ, quản lý một cách hiệu quả, dưới áp lực gia tăng dân số, đô thị hoá và cuộc sống hiện đại kéo theo nhu cầu lưu trú ngày càng gia tăng cả về lượng và chất. Tôi tin rằng cấu trúc thị trường này sẽ tiếp tục được duy trì trong tầm nhìn dài hạn, không bị ảnh hưởng bởi những “lát cắt” mang tính ngắn hạn của thời điểm như dịch bệnh. Bắt đầu bằng việc cung cấp dịch vụ lưu trú co-living ở dài hạn, hiện nay MVillage đã mở rộng ra tới hơn 33 cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đa dạng hoá dịch vụ lưu trú từ ở dài hạn tới ngắn hạn. Vừa qua, dù trong bối cảnh khó khăn gọi vốn chung, MVillage đã huy động vòng gọi vốn series B từ nhà đầu tư chiến lược Trip.com, giúp thúc đẩy startup này phát triển xa hơn nữa sắp tới.
Trên đây là những chia sẻ tâm huyết của tôi, là những chiêm nghiệm suy nghĩ của mình về những câu hỏi quan trọng thực sự, cùng với những phân tích quan trọng để tìm ra được thị trường, lĩnh vực tiềm năng để cân nhắc khi đầu tư vào startup. Hi vọng những chia sẻ này sẽ là những gợi ý nho nhỏ, tạo ra những tiền đề Startup - Investor- Fit quan trọng để các nhà sáng lập startup có chung suy nghĩ này với tôi, chúng ta có thể tìm thấy để đồng hành đầu tư phát triển. Yeah, chúng ta cùng just keep fighting vì điều này nhé!